Công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân
ta đến nay đã được 35 năm. Với đường lối đổi mới đúng quy luật, đầy sáng tạo,
hợp lòng dân do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã
vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa.
Nhờ có đổi mới mà đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào hàng ngũ những nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ nghĩa xã hội được củng cố; vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới được nâng cao; sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng gấp nhiều lần, tạo tiền đề cho nhân dân ta tiếp tục phấn đấu xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những thành tựu đó là kết quả tổng hợp
của nhiều yếu tố, trong đó “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là
gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh
thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân tộc”(1).
Những thành tựu to lớn đó cũng là những
tiền đề hết sức quan trọng để tăng cường sự đồng thuận và ổn định xã hội, từ đó
không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống
nhất, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà
nước về đại đoàn kết dân tộc đi vào cuộc sống.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch căn dặn mọi cán bộ,
đảng viên phải thấm nhuần quan điểm:
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách
nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính
quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến
xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2).
Quan điểm đó của Người đã được Đảng ta
thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra.
Triển khai Cương lĩnh, Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan
trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, về tôn giáo, về các giai
cấp, tầng lớp nhân dân, về người Việt Nam ở nước ngoài... Ngày 12-12-2013, Bộ
Chính trị (khóa XI) có Quyết định số 217-QĐ/TW ban hành “Quy chế giám sát và
phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” và
Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây
dựng chính quyền”.
Các chủ trương, đường lối nêu trên đã
từng bước được thể chế hóa thành luật, pháp lệnh, chính sách và thể hiện ngày
càng rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
Quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng đã
quan tâm hơn đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đến công tác Dân vận -
Mặt trận. Chính quyền các cấp ở nhiều địa phương đã thật sự có chuyển biến về
nhận thức và hành động trong quan hệ với nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân
trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội được thể chế hóa và
từng bước được phát huy. Sự đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính
trị, việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng Quy chế
dân chủ ở cơ sở, nhằm thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và
nhiều nơi gần đây bổ sung “dân thụ hưởng” đã góp phần quan trọng động viên nhân
dân hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị của đất nước, đẩy mạnh sản xuất,
thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố an
ninh quốc phòng, đặc biệt là giúp nhau trong khó khăn, gần đây là trong phòng,
chống dịch Covid-19.
Nhân dân rất mừng là từ sau Đại hội XII
của Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
được đặc biệt quan tâm, tiến hành trên tất cả các mặt, đã đạt được những kết
quả nổi bật. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển
biến mạnh mẽ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ
án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được phát
hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, chứng tỏ không có vùng cấm, không
có ngoại lệ, được cán bộ, nhân dân hoan nghênh, đồng tình và lấy lại niềm tin
trong dân.
Để đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự
lãnh đạo của Đảng thật sự là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có
ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc, nhân dịp tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhân dân mong muốn: Đảng cần làm cho cả hệ
thống chính trị, trước hết là các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy
quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân
tộc thống nhất. Cụ thể, cần nắm vững những quan điểm cơ bản và cũng là những
định hướng chủ yếu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn
hiện nay là:
1. Lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân
tộc ta ngày nay là độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong chủ nghĩa
xã hội. Lợi ích đó thể hiện hằng ngày trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc củng cố và tăng cường đoàn kết hiện nay không thể chung chung mà phải gắn
chặt với việc bảo đảm các lợi ích đó của nhân dân thông qua những chính sách cụ
thể, hợp lòng dân.
2. Hồ Chủ tịch đã tổng kết: “muốn tiến
lên chủ nghĩa xã hội thì toàn dân cần đoàn kết lâu dài, đoàn kết thực sự và
cùng nhau tiến bộ”.
Một trong những động lực thúc đẩy nhân dân
tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay là quyền làm chủ của nhân dân phải
được tôn trọng. Pháp luật và các cơ quan thi hành pháp luật phải bảo đảm để
nhân dân thật sự là người chủ, thật sự làm chủ đất nước như Hiến pháp (sửa đổi,
bổ sung) đã quy định.
3. Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà
nước và nhân dân không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là trách
nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn
dân. Do đó, thông qua hoạt động của mình, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính
trị - xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp
phần làm cho mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước luôn bền chặt, làm
cho ý Đảng gắn với lòng dân.
4. Trong giai đoạn hiện nay, các chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có tác dụng trực
tiếp và quyết định đến kết quả việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Vì
vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện
tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội như Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ
Chính trị (khóa XI).
Để có dân chủ thật sự và bảo đảm hài hòa
lợi ích, cần “xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan
hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và vai trò làm chủ của nhân dân thông
qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội”, như Kết luận số
62-KL/TW, ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương
thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị xã hội”.
Lịch sử đấu tranh anh dũng và bất khuất
của dân tộc ta đã khẳng định: Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt
Nam, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã có những đóng góp rất to lớn vào
sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và là một trong những nhân tố bảo đảm thắng
lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng lâu
dài, từ kinh nghiệm bản thân và qua kiểm nghiệm trong thực tiễn, nhân dân ta
thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt
Nam, là “Đảng ta”, “Đảng của chúng ta” và Mặt trận dân tộc thống nhất thừa
nhận: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận.
Sự thừa nhận đó là khách quan. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh:
“Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ
ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong
đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách
đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(3).
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình
trước Tổ quốc, trước dân tộc, Đảng đã lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng
vượt qua muôn vàn khó khăn, qua mọi thác ghềnh nguy hiểm, cùng nhân dân từng
bước giành những thắng lợi huy hoàng.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn ý thức
rõ: Đảng trong lòng dân; Đảng tồn tại vì nhân dân, đại biểu trung thành lợi ích
của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Chính nhân dân là
người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng, có thể tóm
tắt trong tám chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”(4). Vì vậy,
đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng của nhân
dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham
nhũng, xa dân sẽ dẫn đến tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của
chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Với nhận thức sâu sắc đó, “Những người
cộng sản Việt Nam biết ơn sâu sắc nhân dân và Tổ quốc Việt Nam đã sinh thành và
nuôi dưỡng, xây dựng và ủng hộ Đảng với tất cả tấm lòng thủy chung son sắt,
giúp Đảng thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam chân thành
cảm ơn Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã gắn bó keo sơn với Đảng trong
mọi thời kỳ cách mạng, lúc khó khăn, sóng gió cũng như khi thắng lợi vẻ vang;
cùng Đảng tập hợp toàn dân dưới ngọn cờ đại nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ
đại. Đảng rất tự hào vì đã xứng đáng là một thành viên tích cực của Mặt trận Tổ
quốc”(5).
Một vấn đề lớn được đặt ra trong quan hệ
giữa Đảng với Mặt trận, Mặt trận với Đảng tức Đảng với dân và dân với Đảng là
Đảng làm gì và làm như thế nào để đồng thời thực hiện được cả hai nhiệm vụ: vừa
là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, tổng kết hoạt động của Mặt trận từ Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay
cho thấy: Với tư cách là một thành viên, Đảng cũng bình đẳng như mọi thành viên
khác, phải thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh những gì mà Điều lệ Mặt trận đã quy
định, song “phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân
thực nhất” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đảng có trách nhiệm trình bày
với Mặt trận những chủ trương, chính sách của Đảng; cùng bàn bạc, hiệp thương
dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của Mặt
trận; động viên phong trào cách mạng rộng lớn của nhân dân, giáo dục cán bộ,
đảng viên nhận thức rõ tầm quan trọng của đường lối đại đoàn kết, chính sách và
công tác Mặt trận trong từng giai đoạn cách mạng; gương mẫu tham gia mọi hoạt
động của Mặt trận; khiêm tốn tiếp thu nhận xét, phê bình của nhân dân và tích
cực sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm của mình. Với tư cách là người lãnh đạo Mặt
trận, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo toàn xã hội
thực hiện tốt chính sách và công tác Mặt trận mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; tạo
điều kiện để Mặt trận thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đối với những chủ trương, chính sách
lớn, có ý nghĩa trọng đại về quốc kế, dân sinh, Đảng lấy ý kiến phản biện của
Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trước khi quyết định.
Nhà nước là cơ quan quản lý, điều hành
công việc quốc gia, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước cùng bàn bạc với Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc để thể chế hóa quyền hạn và trách nhiệm của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam trong việc hoàn thiện những chính sách hiện có, nhất là
những chính sách có liên quan đến đại đoàn kết dân tộc và đề xuất những chính
sách mới cần ban hành cho phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.
Chính phủ cùng UBND các cấp và Mặt trận
Tổ quốc cùng cấp xây dựng và không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng Quy
chế phối hợp, thực hiện đầy đủ những điều mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định
về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, tạo điều kiện thuận lợi
cho hoạt động của Mặt trận, nhất là đội ngũ cán bộ, phương tiện, điều kiện,
kinh phí; giáo dục viên chức nhà nước quán triệt chính sách Mặt trận trong công
việc thường ngày của mình.
Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh
chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã
hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính
quyền nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận phải
thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình đã được ghi trong Cương lĩnh xây
dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm
2011) là: “đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các
đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia
xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa
vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước”.
Để đạt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng, Nhà nước, Mặt trận đồng tâm, hiệp lực
quyết tâm phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của tổ
tiên, cùng nhau hợp sức xây dựng xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở,
độ lượng, tin cậy lẫn nhau, vì sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững của
đất nước.
(1). Trích Báo cáo chính trị của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII
của Đảng.
(2). Trích bài báo “Dân vận” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự thật ngày 15-10-1949.
(3). Những Chỉ thị mà tôi nhớ và truyền
đạt. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, T3, tr.168.
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, T7, tr.49.
(5). Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư
Đỗ Mười tại Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
NGUYỄN TÚC
Ủy viên Đoàn
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam
Nhận xét
Đăng nhận xét