GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG HIỆN NAY

 

Phạm Trung

Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời đấu tranh bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, những cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, bồi dưỡng nhận thức, lập trường, quan điểm và năng lực vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nội bộ vững mạnh, củng cố vững chắc bên trong là chính, lấy “thế trận lòng dân” làm nền tảng.

Chủ động triển khai có hiệu quả đấu tranh trực tiếp trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Sử dụng và phát huy hiệu quả các phương tiện của công tác tư tưởng đấu tranh phê phán những quan điểm tư tưởng, lý luận phản động, sai trái của các thế lực thù địch, không để lây lan và tác động xấu trong xã hội. Nâng cao chất lượng vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập của các tổ chức Đảng ở cơ sở, tăng cường tính chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội, nhất là kỷ luật phát ngôn.

Ba là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối; xây dựng và quản lý Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị và xã hội. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng các thiết chế tuyên truyền vận động, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong phát triển sản xuất, tổ chức đời sống, tham gia xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.

Mở rộng dân chủ phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Chủ động, kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sớm phát hiện và giải quyết khẩn trương các vấn đề bức xúc, các “điểm nóng” về những vấn đề khiếu kiện, đình công..., giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Khắc phục tình trạng vô kỷ luật, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để gây rối. Chủ động có các phương án ngăn chặn và làm thất bại âm mưu lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc” để gây rối chính trị, xuyên tạc lịch sử, nói xấu các cán bộ lãnh đạo Đảng.

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ của các tổ chức Đảng với tổ chức Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tăng cường ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về tư tưởng chính trị. Không được coi nhẹ mặt đạo đức, lối sống. “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” vô cùng nguy hiểm, nó phụ thuộc chủ yếu vào chính mỗi người, vào sức mạnh và khả năng đề kháng của cơ thể xã hội XHCN như V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”.

Nhận xét