Phạm Trung
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”[1] là luận điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Luận điểm này được minh chứng bởi những luận cứ khoa học, đầy sức thuyết phục.
Một là, hòa
bình, thống nhất, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam chưa bao
giờ có được như ngày nay.
Sau gần 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng
ta đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ
thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế,
kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội
chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo
vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa; giữ vững môi trường hòa bình,
ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Hai là, quy mô, cơ cấu dân số của
Việt Nam chưa bao giờ được như ngày nay.
Năm 1945, quy mô dân số nước ta có khoảng 20
triệu người. Năm 1975, dân số nước ta khoảng 50 triệu người. Năm 1986, nước ta
có khoảng 62,29 triệu người. Sau gần 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, theo
kết quả chính thức được Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương
công bố tại Hội nghị tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, diễn ra
sáng 19/12, tổng số dân của Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó, dân số nam
là 47,88 triệu người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48,3 triệu người, chiếm
50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15
trên thế giới.
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Tổng số
người trong độ tuổi lao động lớn hơn tổng số người phụ thuộc (người già và trẻ
em). Hiện nay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% dân số. Theo
khảo sát thì bình quân 2 người lao động nuôi 1 người phụ thuộc.
Ba là, thành tựu kinh tế - xã hội
của Việt Nam chưa bao giờ được như ngày nay.
Trong gần 35 năm
tiến hành sự nghiệp đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
ở nước ta tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy
trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền
kinh tế tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ vài chục USD lên khoảng 2800 USD/người/năm,
đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở
mức thấp. Mặc dù trong 2 năm qua (2019, 2020), mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của
đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020
vẫn đạt khoảng 5,9%/năm. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người
tăng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người ước
đạt 2.750 USD/người/năm). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao
động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Bốn là, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam
chưa bao giờ được như ngày nay.
Quan hệ đối ngoại
và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ
ổn định và bền vững với các đối tác. Chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc,
chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu
quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối
tác toàn diện và các đối tác khác. Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại
nhân dân được triển khai đồng bộ và toàn diện. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi
có hiệu quả cơ chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; tăng cường công
tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Hội nhập quốc tế
tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở,
tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Vị thế, uy tín, vai
trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.
Việt Nam có quan hệ
ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc
tế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.
Cơ đồ, tiềm lực,
vị thế và uy tín của nước ta hiện nay càng khẳng định sự lựa chọn con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta là đúng đắn, phù
hợp với quy luật khách quan; khẳng định vai trò to lớn, có tính chất quyết định
của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới.
[1] Nguyễn Phú Trọng (2020),
“Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một
giai đoạn phát triển mới”, Tạp chí Lý luận và thực tiễn Hội đồng Lý luận Trung
ương, Số 85 (219), Tháng 9 năm 2020, tr.7.
Nhận xét
Đăng nhận xét