MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÒNG CHỐNG THÔNG TIN XẤU, ĐỘC TRÊN MẠNG INTERNET HIỆN NAY

                                                                                                                                                     Niềm Tin              Sự phát triển của internet góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích của internet mang lại thì mặt trái của nó là không hề nhỏ; đặc biệt là các thế lực thù địch đã triệt để tận dụng mạng internet để chuyển tải các thông tin xấu, độc nhằm chống phá cách mạng nước ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.  

Có thể nói chưa bao giờ các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị lại ráo riết, điên cuồng chống phá cách mạng nước ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận như thời điểm này. Thể hiện rõ nhất hiện nay là trước thềm Đại hội XIII của Đảng sắp tới, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị đồng thanh tung lên mạng với số lượng rất lớn thông tin sai trái, thù địch, bịa đặt, vu khống với mục đích làm giảm giá trị của các sự kiện, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của quần chúng nhân dân, gây chia rẽ quân đội với công an.... Tính chất phản động, mục tiêu chống phá thể hiện rõ ở một số nội dung trọng điểm như: Chúng xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, thân thế sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; bôi nhọ nhân sự cấp cao và chia rẽ đoàn kết nội bộ nhằm làm giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Do đặc thù của internet là tốc độ truyền thông tin nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng... Thực tế cho thấy thời gian qua không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên - đối tượng thường xuyên tiếp cận với phương tiện này. Cũng từ đó, một trong những hệ quả nguy hiểm của thủ đoạn này là gây mất phương hướng, sa sút niềm tin, làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng.

Để nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, ổn định niềm tin của nhân dân cần quán triệt và thực hiện tốt một số định hướng sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước với hệ thống thông tin đại chúng nói chung, internet nói riêng. Đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia chống “diễn biến hòa bình” trên mạng internet.

Trong đó Đảng và Nhà nước cần tập trung vào định hướng những vấn đề cần đấu tranh, những nội dung cần đi sâu phân tích lý giải, những mục tiêu cần phải đạt tới. Sự định hướng còn bao gồm cả việc kiểm tra không để lọt các bài, các ấn phẩm có nội dung xấu xuất hiện trên các trang mạng chính thống. Đồng thời, phải huy động toàn xã hội, toàn dân tham gia cuộc đấu tranh này; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự giác, thành hành động tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm sai trái. Tổ chức lực lượng trong các cơ quan chính quyền, cơ quan quân đội, công an các cấp và trong các tổ chức chính trị, xã hội… thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet.

Hai là, đổi mới hình thức, phương pháp đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của các tầng lớp nhân dân, của cư dân mạng trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung, trên mạng internet nói riêng.

Đổi mới phương pháp, mở rộng các phương thức thông tin truyền thông đa dạng, phong phú, sinh động, giàu sức thuyết phục. Có thể thành lập một website với tư cách là cổng thông tin, diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt. Khuyến khích mọi tầng lớp dân cư xây dựng các trang blog cá nhân và tham gia trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter tạo diễn đàn tranh luận, trực tiếp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch.

Tập trung giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho toàn dân thấy được chống “diễn biến hòa bình” là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc quyết liệt, toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh, đối ngoại từ đó tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động phá hoại tư tưởng của địch.

Ba là, tăng cường khả năng “tự đề kháng” trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chủ động thông tin kịp thời, phong phú và có định hướng cho xã hội về các sự kiện, hiện tượng và vấn đề nảy sinh trong nước cũng như trên thế giới, đáp ứng một cách tích cực nhất nhu cầu nhận thức, thị hiếu của nhân dân. Thông qua đó để định hướng tư tưởng, hướng dẫn nhận thức, tạo thành dư luận xã hội tích cực nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội, nâng cao khả năng chống “tự diễn biến”, khả năng “tự đề kháng” với những âm mưu “diễn biến hòa bình” của địch.

Nhận xét