NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN VỀ SỰ NGUY HẠI CỦA “CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN ÍCH KỶ, HẸP HÒI”


Niềm tin
Theo qui luật của quá trình nhận thức, có nhận thức đúng thì hành động mới đúng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: “Vì sao phải chỉnh huấn? Vì cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt”[1]. Do đó, “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”[2].
Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khi đề cập đến nguyên do của vấn đề đưa đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng, đã khẳng định: “trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”[3].
Theo lẽ tự nhiên “ngọc còn có vết”, với đời sống xã hội của con người lẽ hiển nhiên “nhân vô thập toàn”. Vì vậy, trong cuộc sống mỗi cá nhân con người nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng không một ai tránh khỏi khuyết điểm, sai lầm, vấp váp trong công việc và cuộc sống hàng ngày của mình. Khẳng định về vấn đề này Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Tự phê bình”, Người viết đầu năm 1946 đã khẳng định: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”[4] và sinh trưởng trong xã hội cũ mỗi người cũng đều mang trong mình những tàn tích của chế độ cũ. Song, điểm mẫu chốt là chúng ta có dám thừa nhận và nhận diện đúng những hạn chế, khuyết điểm trong mỗi chúng ta không? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh phải lâu dài và gian khổ. “Cần có người cách mạng là vì còn có kẻ địch chống lại cách mạng. Kẻ địch gồm có ba loại. Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài.  Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”[5]. Đồng thời, “Những khuyết điểm sai lầm Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm, thí dụ những bệnh sau đây: a) Bệnh tham lam…; b) Bệnh lười biếng…; c) Bệnh kiêu ngạo…; d) Bệnh hiếu danh…; đ) Thiếu kỷ luật… e) Óc hẹp hòi…; g) Óc địa phương…; h) Óc lãnh tụ…”[6].
Những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến, hiện nay vẫn đang hiện hữu tồn tại trong một số cán bộ, đảng viên của Đảng, được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII khái quát thành 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  trong nội bộ. Theo đó, để đấu tranh khắc phục, đẩy lùi tình trạng này cần phải đẩy mạnh, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên ở  từng tổ chức cơ sở Đảng và nhân dân nhận diện đúng sự nguy hại của “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi” và sự cần thiết phải đấu tranh phòng, chống, khắc phục kịp thời “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi” trong mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng hiện nay./.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.156.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.547.
[3] Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, BCHTWĐ khóa XII, Nxb CTQG, Hà Nội 2016. tr.3.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.166.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.606.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.295-296.

Nhận xét