Phạm Trung
Kỷ niệm 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2020) là
dịp để mọi người dân Việt Nam ôn lại và nhận thức đúng đắn ý nghĩa của sự kiện
lịch sử quan trọng này, tránh sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.
Năm 1953, sau 8 năm trở lại xâm lược Đông Dương, Pháp đã huy động một lượng lớn về kinh tế,
quân sự nhưng vẫn không tiêu diệt được chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, không thể thiết lập lại nền
cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm 1945. Những khó khăn về kinh tế, tài chính và
phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong nước đẩy chính phủ Pháp
rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới. Lợi dụng tình thế này, đế quốc Mỹ tăng
cường can thiệp vào Đông Dương, tích cực viện trợ cho Pháp kéo dài và mở rộng
cuộc chiến nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng.
Tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng
Nava - người được đánh giá là “một nhà chiến lược văn võ kiêm toàn” sang làm
tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương với hy vọng sớm giành thắng lợi quân
sự quyết định, tìm “lối thoát danh dự” dứt điểm cuộc chiến tranh. Tháng 7/1953,
tướng Nava đề ra kế hoạch quân sự mới ở Đông Dương. Kế hoạch này được Thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ ca
ngợi là “hoàn hảo, phù hợp”, sẽ mang đến thắng lợi trong vòng 18
tháng.
Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung
ương Đảng họp bàn, đề ra chủ trương chiến lược cho hoạt động quân sự Đông Xuân
1953 - 1954: Sử dụng một bộ phận chủ lực tiến công vào chỗ yếu, sơ hở của địch, tiêu diệt địch ở
những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; đẩy mạnh chiến tranh du
kích ở sau
lưng địch, tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết, v.v.. Quân dân Việt Nam
phối hợp chặt chẽ cùng với quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia mở các cuộc
tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương buộc Pháp phải phân tán lực lượng
đối phó. Chỉ sau một
thời gian ngắn, khối chủ lực cơ động của địch từ chỗ tập trung chủ yếu ở
Đồng bằng Bắc Bộ bị phân tán thành 5 lực lượng ở Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Trung Lào,
Tây Nguyên, Thượng Lào. Những
lực lượng này hỗ trợ cho nhau gặp rất nhiều khó khăn.
Tại mặt trận Tây Bắc, từ tháng 11/1953,
bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương quyết định điều quân xây dựng Điện Biên Phủ
thành tập đoàn cứ điểm mạnh, vừa nhằm bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào, vừa nhằm thu hút và đánh bại chủ lực của ta. Đầu tháng 3/1954,
quân địch tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, gồm bộ binh, pháo binh,
công binh, xe tăng, không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương; được bố
trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu. Cả
Pháp và Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”, công
khai thách thức đối phương tiến công.
Về phía ta, sau khi phân tích kỹ tình
hình mọi mặt, Trung ương Đảng và Bộ chỉ huy tối cao đã quyết tâm mở chiến dịch
tiến công Điện Biên Phủ - đòn quyết chiến chiến lược nhằm kết thúc thắng lợi
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao trọng
trách Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Với khẩu hiệu
“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!”, cả nước dồn sức cho chiến
trường Điện Biên Phủ. Sau
một thời gian ngắn, công tác chuẩn bị của ta trên các mặt đã tạo ra bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ. Ngày 13/3/1954,
quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng
mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, chiều ngày
7/5/1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt
sống tướng chỉ huy De Castries, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong
những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói
chung, trong thời đại Hồ
Chí Minh nói riêng. Chiến thắng này đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng
chiến chín năm chống thực dân Pháp (1945 - 1954), trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định
Giơnevơ về chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp đối với
Việt Nam và các nước
trên bán đảo Đông Dương. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa có ý nghĩa bảo vệ và phát triển thành quả Cách
mạng Tháng Tám năm 1945, vừa mở ra một giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa
ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi
lên chủ nghĩa xã hội. Niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ
tịch Hồ Chí Minh của nhân
dân Việt Nam tiếp tục được củng cố và phát triển. Chiến thắng là động lực tinh thần to lớn
cổ vũ toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân tiếp tục giương cao ngọn cờ đấu tranh vì độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội.
Không
chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc Việt Nam, chiến
thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa thời
đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện khởi đầu, góp phần to lớn vào cuộc
đấu tranh vì hòa
bình, tiến bộ của nhân loại, giáng một đòn chí mạng vào thành
trì của chủ nghĩa thực
dân cũ là Pháp và Mỹ, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ nhân
dân các nước thuộc địa đứng lên giải phóng dân tộc,
đấu tranh thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Chiến
thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp, tình
đoàn kết của các nước Đông Dương, sự giúp đỡ, ủng hộ của
các nước anh em và bạn bè quốc tế, là chiến
thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vì hòa bình, độc lập dân tộc và
tiến bộ xã hội trên
toàn thế giới.
Đúng
như Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của
lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời
phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn
toàn.”[1]. Hiện nay, mặc dù chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản vẫn
còn điều kiện để tồn tại, nhiều dân tộc trên thế giới vẫn còn bị áp bức, lệ thuộc,
cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội đang gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần và ý nghĩa to lớn
của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp
tục giữ vững và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết
tâm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”.
[1]
Hồ Chí Minh (1964), Nhân ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ,
Toàn tập, tập 14, Nxb CTQGST, Hà Nội 2011, tr.315.
Nhận xét
Đăng nhận xét