CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI LÍNH CANH TRỰC CỨU HỘ, CỨU NẠN

QĐND - Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường, công tác cứu hộ, cứu nạn cần tiến hành rất khẩn trương và nhiều khi phải đối mặt với không ít khó khăn, hiểm nguy, đòi hỏi cán bộ Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Cục Cứu hộ-Cứu nạn-Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) phải luôn chủ động, nắm chắc tình hình, tham mưu chỉ đạo tổ chức TKCN kịp thời để cứu người và tài sản người dân trên biển.

"Alô! Alô! Chúng tôi là ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi. Tàu của chúng tôi bị gió lớn đánh gãy cột buồm, chết máy thả trôi, tàu đang chìm dần trên biển cần cứu vớt khẩn cấp. Hiện tàu đang ở tại tọa độ K, đề nghị trung tâm giúp đỡ…". Sau khi tiếp nhận và xử lý thông tin, cán bộ Trung tâm đã gọi khẩn cấp chỉ đạo lực lượng trực gần khu vực và các tàu đang di chuyển gần khu vực tàu bị nạn, nhanh chóng tiếp cận, cứu giúp tàu bị nạn... Đó là những cuộc điện thoại quen thuộc từ các chủ tàu đang hoạt động trên biển và từ Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam thông báo cứu nạn khẩn cấp gọi tới Trung tâm, nhất là vào mùa biển động, mưa bão...
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn trong giờ trực.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành TKCN cho biết: Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN cũng là nơi chỉ đạo, điều hành và phối hợp các lực lượng trên phạm vi cả nước trong thực hiện nhiệm vụ TKCN. Để ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn đắm tàu, hay người đi biển bị bệnh hiểm nghèo…, kíp trực luôn sẵn sàng 24/24 giờ. Quy trình xử lý thông tin TKCN diễn ra nhanh chóng, chính xác để tàu cứu nạn có thể đến đúng vị trí, địa điểm cần thiết, hoặc hướng dẫn cho tàu có thuyền viên cần cấp cứu nhanh chóng tiếp cận tàu cứu nạn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ đầu năm 2020 tới nay, đã xảy ra 217 vụ sự cố tai nạn trên biển với 949 người và 121 phương tiện, làm chết 32 người, mất tích 49 người, bị thương 73 người, chìm và hư hỏng 121 phương tiện. Các lực lượng thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng chuyên trách đã tổ chức tìm kiếm 73 vụ, cứu được  276 người và 23 phương tiện.
“Có thể nói, các sự cố luôn diễn ra đột xuất, phức tạp, do vậy kíp trực luôn phải có tinh thần trách nhiệm cao, bất kể ngày hay đêm, khi nhận được thông tin đề nghị cứu hộ, cứu nạn thì từng cán bộ ứng trực luôn sẵn sàng “tác chiến” trong mọi tình huống”-Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.
Khi trao đổi với các cán bộ thuộc Trung tâm thì ai cũng mong muốn là ngư dân của các tàu, thuyền hoạt động trên biển phải có hiểu biết về pháp luật và tuân thủ nghiêm, nêu cao tinh thần "tương thân tương ái", đoàn kết, giúp đỡ nhau trên biển, nhất là khi có tàu, thuyền gặp nạn. Đối với các tàu hoạt động nghề cá, cần xây dựng các tổ, đội để lúc xảy ra sự cố trên biển có thể tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Trên thực tế, nhiều trường hợp báo nạn quá muộn, nên khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn cơ động được đến nơi thì không thể cứu được nữa. Lại cũng có trường hợp chưa cần phải cứu hộ thì đã báo nạn. Trong khi đó, điều một chuyến tàu ra khơi cứu nạn là rất tốn kém. Vì vậy, các ngư dân cần hết sức cẩn trọng khi báo nạn, chứ không thể báo tràn lan, thực tế là có ngư dân chỉ bị trầy xước nhẹ ở chân, tay cũng báo về Trung tâm đề nghị giúp đỡ. Hiện nay vẫn còn khá nhiều tàu đánh cá khi ra khơi không mang theo phao cứu sinh, lại thiếu kiến thức về sơ cấp cứu người bị nạn, nên đã để xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Để giảm bớt các nguy cơ, sự cố, bản thân mỗi người đi biển phải tự trang bị cho mình các nhu yếu phẩm, thuốc, dụng cụ y tế tối thiểu và có những hiểu biết nhất định về sơ, cấp cứu để đề phòng bất trắc.
Bài và ảnh: LÊ QUANG THIỆN 

Nhận xét