CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC HỒ CHÍ MINH

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là di sản tư tưởng, là tài sản tinh thần to lớn của Ðảng và dân tộc ta. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, do phải thường xuyên đương đầu với thiên nhiên, giặc giã, như một lẽ tự nhiên, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng luôn là một giá trị thiêng liêng, một tình cảm sâu nặng của dân tộc Việt Nam được truyền giữ và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính sức mạnh đó đã hun đúc quyết tâm cứu nước, cứu đồng bào, thôi thúc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bài viết "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin", Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba".

Nói về Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, một nhà nghiên cứu đã khẳng định: Hồ Chí Minh không phải là người Việt Nam đầu tiên yêu nước, nhưng công lao chính của Người là đã nâng Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lên tầm cao mới khi những vấn đề mới của thời đại tác động vào dân tộc Việt Nam và những vấn đề mà dân tộc Việt Nam đòi hỏi.
Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, một cách khái quát, có thể thấy trên một số phương diện:
Yêu nước gắn với lòng khát khao tự do, hòa bình; bất luận trong mọi hoàn cảnh, kiên quyết giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là luôn gắn chặt yêu nước với thương dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân và luôn luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân.
Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh gắn liền với đoàn kết quốc tế.
Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một chân lý của thời đại: Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới đang ở thế tiến công, một dân tộc đất không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Ðảng Mác-Lênin có phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lại được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ.
Trong bối cảnh đất nước hòa bình, chủ nghĩa yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện bằng sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Người nhận định, nhân dân lao động là những người yêu nước chân chính, những người biểu hiện lợi ích dân tộc thật sự. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là phải chuyển chủ nghĩa yêu nước từ thời chiến sang chủ nghĩa yêu nước thời bình.
Chủ nghĩa yêu nước phát sinh hằng ngày, hằng giờ trong mỗi con người chân chính, trong phong trào thi đua của những người lao động tiên tiến, trong cuộc đấu tranh cho sự công bằng và tiến bộ xã hội, cho sự tổ chức công việc một cách khoa học. Nó biểu hiện sự không khoan nhượng đối với những khuyết điểm, thiếu sót
Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức: nguy cơ tụt hậu về kinh tế; sự phân hóa giàu nghèo, sự bất bình đẳng; tệ nạn xã hội, bạo lực, khủng bố, ô nhiễm môi trường; nguy cơ chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, chiến tranh cục bộ, khu vực đe dọa nền hoà bình thế giới.
Trong bối cảnh đó, học tập, vận dụng chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, chúng ta càng phải tăng cường bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; cảnh giác và chủ động đấu tranh với âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, nguy cơ “tự diễn biến” trong nội bộ; không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhận xét