PHÁT HUY SỨC MẠNH VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc có sự cố kết cộng đồng và từ rất sớm đã hình thành nên một quốc gia - dân tộc cách đây hàng nghìn năm trong lịch sử.
Đồng thời, dưới góc độ văn hóa cũng hiếm thấy có một dân tộc nào trên thế giới sau một nghìn năm Bắc thuộc và sau gần mười thế kỷ độc lập với bao phen chiến thắng các thế lực bành trướng và xâm lược, nền văn hóa Việt Nam không những không bị đồng hóa mà còn liên tục phát triển mạnh mẽ với bản sắc riêng của mình. Đó là, nền văn hóa Việt Nam tiềm ẩn khát vọng cháy bỏng của một dân tộc luôn hướng tới chân lý vĩnh hằng: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” trở thành ý chí và sinh lực bất tận thấm sâu và lưu truyền qua các thế hệ con Hồng cháu Lạc.
Bước vào thời kỳ lịch sử cận - hiện đại, lần đầu tiên dân tộc ta đứng trước cuộc đụng đầu lịch sử không cân sức với chủ nghĩa thực dân phương Tây. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, giương cao ngọn cờ Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, toàn thể nhân dân Việt Nam, từ Bắc chí Nam từ miền ngược tới miền xuôi không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, đẳng cấp, chính kiến, đều nhất tề đứng lên giành lấy chính quyền, làm cuộc cách mạng hiếm có trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Đó là, cuộc cách mạng lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo; đem sức sống mãnh liệt của nền văn hóa dân tộc để chiến thắng sự thống trị, áp bức, nô dịch và đồng hóa của chủ nghĩa thực dân câu kết với bọn phong kiến bán nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên, đã mở ra cho dân tộc Việt Nam một thời đại mới, một nền văn hóa mới. Chưa bao giờ sức mạnh sáng tạo của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh tiềm ẩn của nền văn hóa dân tộc lại được thể hiện mạnh mẽ đến như vậy. Nó đã trở thành nền tảng vững chắc cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam về sau này. Cụ thể là, những nhân tố đã đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám, đã mang lại chiến thắng vĩ đại của cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước 30 năm cũng chính là những nhân tố tạo nên thắng lợi trên nhiều lĩnh vực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay.
Ngày nay, cục diện nước ta đã thay đổi. Trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi bước đầu trong một bối cảnh lịch sử khó khăn và phức tạp. Thế giới đang có sự dảo lộn chưa từng có, hòa bình và hợp tác có chiều hướng phát triển, nhưng những mâu thuẫn gay gắt kể cả nguy cơ chiến tranh vẫn chưa bị loại trừ. Khủng hoảng vẫn diễn ra trầm trọng nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Đi đôi với những tiến bộ cực kỹ nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động sâu rộng của quá trình toàn cầu hóa kinh tế là khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển ngày càng tăng, sự bất bình đẳng trong quan hệ Bắc - Nam ngày càng lớn. Chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở những thế kỷ trước đã bị đẩy lùi, nhưng một thứ “chủ nghĩa thực dân kiểu mới khác” sử dụng sức mạnh tài chính, kỹ thuật và công nghệ cao kết hợp với lý thuyết “dân chủ” cao hơn “chủ quyền” để kìm hãm, đe dọa, khống chế các dân tộc chậm phát triển trong vòng lạc hậu buộc họ phải phụ thuộc đang là một nguy cơ thực tế hiện nay.
Trên thềm thập niên hai mươi của thế kỷ 21, một lần nữa dân tộc ta lại đứng trước một thách thức mang tính thời đại. Thách thức đặt ra cho các thế hệ trước đây là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Thách thức đặt ra cho các thế hệ Việt Nam hiện nay là phải chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, xây dựng nền văn hóa mới, hướng đích mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó mọi người dân đều được ấm no, tự do, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển toàn diện cá nhân. Đó cũng là những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam mới: độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, tự do và dân chủ cho nhân dân, công bằng và hạnh phúc cho mọi người, hòa bình và hữu nghị với các dân tộc phát triển các quan hệ văn hóa nhân văn phù hợp với xu hướng tiến bộ của nhân loại. Theo đó, đòi hỏi mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại mới phải là con người có tinh thần và năng lực làm chủ xã hội, làm chủ những tinh hoa văn hóa của nhân loại, tiếp thu và vận dụng cho phù hợp với tâm lý và xã hội Việt Nam. Đồng thời, nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, biết trân trọng gìn giữ, kế thừa và phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, xây dựng đất nước to đẹp hơn, đoàng hoàng hơn như Bác Hồ mong đợi./.

Niềm Tin

Nhận xét