CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU NGỤY BIỆN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRONG PHÒNG HỐNG THAM NHŨNG

Có thể nói, tác hại nghiêm trọng nhất mà tham nhũng, lãng phí gây ra với Nhà nước là làm suy giảm uy tín của Nhà nước trước nhân dân, tạo ra sự mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền. Đây là tiền đề cho mất ổn định chính trị - xã hội, là nguy cơ sụp đổ thể chế.
Thời gian qua, mức độ tham nhũng ở Việt Nam ngày càng lớn. Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử cho thấy các vụ tham nhũng có xu hướng tăng cả về quy mô lẫn số lượng tài sản nhà nước bị chiếm đoạt.
Ngoài những lĩnh vực hay xảy ra tham nhũng như đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, thuế, hải quan... hiện nay tham nhũng đang lan sang các lĩnh vực từ trước tới nay được coi trọng về đạo lý như: giáo dục, y tế, chính sách nhân đạo... thậm chí tham nhũng xảy ra ngay tại cơ quan PCTN, các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng và cả hệ thống chính trị, công tác PCTN, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế.
Cùng với việc gấp rút hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, Đảng và Nhà nước ta cũng tăng cường kiểm soát hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng, nhất là những hoạt động dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, như cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, đầu tư tài chính, ủy thác cho vay...
Bên cạnh đó, Đảng ta cũng đang thực hiện ngày càng hiệu quả việc tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng dân chủ, công khai; sửa đổi Luật PCTN và các văn bản liên quan khác để thực hiện việc công khai kết quả kê biên tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI.
Các cơ quan tố tụng điều tra, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, là ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương với mức án nghiêm khắc, được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Nhận định về kết quả PCTN, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 đã khẳng định: “Bước đầu kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí”.
Như vậy, tác động của cuộc đấu tranh PCTN đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là rất lớn, nhưng đâu đó vẫn còn có những tiếng nói lạc lõng với dụng ý xấu nhằm hạ thấp ý nghĩa và quyết tâm PCTN của Đảng và nhân dân ta. Thậm chí các thế lực thù địch còn phủ nhận kết quả công cuộc PCTN  nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng ta.
Nếu trước đây chúng cho rằng Việt Nam không chống được tham nhũng, thì nay trước quyết tâm và thành tựu chống tham nhũng ở Việt Nam chúng lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh PCTN. “Trên thực tế thì các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ âm mưu trong quá trình “diễn biến hòa bình”.
Cách thức họ tác động sẽ khác nhau và tác động như thế nào phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thực tiễn của đất nước đang diễn ra. Một trong những vấn đề chúng ta đang làm rất mạnh và có hiệu quả đó là công cuộc đấu tranh PCTN.
Bởi vậy, các thế lực thù địch sẽ tập trung đánh vào điểm mà chúng ta xem là đang có hiệu quả, đang làm quyết tâm, quyết liệt, được sự quan tâm của các giai tầng xã hội”- TS. Đỗ Văn Quân - Viện Xã hội học cho biết.
Chống tham nhũng- động lực mới cho phát triển đất nước
Theo phân tích của TS Đỗ Văn Quân, các thế lực thù địch sử dụng nhiều phương thức khác nhau để chống phá cuộc đấu tranh PCTN của Đảng ta. Cách đơn giản nhất là phóng đại thông tin từ những vụ việc, những vấn đề đã xảy ra trên thực tế hoặc xuyên tạc những điều không có thật, nói không thành có…
Chẳng hạn, chúng rêu rao rằng Đảng ta đang thanh trừng nội bộ thông qua việc PCTN. “Tuy nhiên, họ không chỉ ra được bằng chứng. Thực ra quan trọng nhất là phải chỉ ra được bằng chứng nhưng họ không làm được mà toàn là những người tham nhũng thật, vi phạm pháp luật thật - từ cán bộ cấp Trung ương đến cơ sở. Tất cả những vụ việc đó đều được chúng ta xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải xử kín. Đặc biệt, bản thân những cán bộ có sai phạm đó cũng đã nhận tội trước pháp luật”- ông Quân nhận định.
Cũng do cuộc đấu tranh này không có vùng cấm, mọi cán bộ, đảng viên không phân biệt chức vụ, còn đương chức hay nghỉ hưu, nếu mắc sai phạm đều phải xử lý đúng người, đúng tội.
Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN diễn ra vào giữa năm 2018: “Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân”.
Do đó, không thể có các quy định chống tham nhũng của Đảng đứng trên pháp luật, hay mượn cớ chống tham nhũng để “thanh trừng nội bộ” như lời bịa đặt của các thế lực thù địch.
Vẫn theo lời ông Quân, trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đang muốn chứng minh rằng “một thể chế cầm quyền, một Đảng lãnh đạo không thể kiểm soát được quyền lực”. Bởi chúng ta đang nói đến cái gốc dẫn đến tình trạng tham nhũng là kiểm soát quyền lực kém.
Chúng ta thừa nhận có yếu tố này và đang cố gắng về mặt Nghị quyết hoàn thiện để kiểm soát quyền lực. Nhưng họ vẫn muốn chứng minh một điều là trên thế giới, cứ quốc gia nào có một đảng quản trị là rất khó quản lý, mà phải đa nguyên, đa đảng...
Tuy nhiên, câu chuyện tham nhũng trên thực tế không gắn liền với câu chuyện duy nhất là yếu tố chính trị (như kiểm soát quyền lực kém - mặc dù đó là yếu tố quan trọng) mà còn nhiều yếu tố khác. “Tôi muốn nhấn mạnh, trong điều kiện một đảng cầm quyền vẫn có thể kiểm soát được quyền lực, nhưng đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của người đứng đầu các cơ quan chức năng trong PCTN”- ông Quân nói.
Khi những tiêu cực bị đẩy lùi sẽ nhân lên niềm tin và khí thế mới trong cả hệ thống chính trị. Điều đó minh chứng rằng, chống tham nhũng đang thực sự là một động lực mới cho sự phát triển của đất nước, lấy lại niềm tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trần Oanh ST


Nhận xét