Ủng hộ cách làm của tỉnh Quảng Ninh trong đấu tranh chống “báo hoá” tạp chí, chống báo “bẩn”, lành mạnh hoá đội ngũ báo chí



Nhiều ý kiến trên mạng xã hội đua nhau theo trào lưu phê phán công văn do bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở 4T Quảng Ninh ký gửi các đơn vị, cho rằng: đứng trên luật, lạm quyền, nhà báo được quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp thông tin theo điều 25 Luật Báo chí, không cần phải quan tâm tôn chỉ mục đích, vv và vv...
Xem kỹ công văn bà Hân ký, chúng tôi không thấy có điều gì trái pháp luật. Ngược lại, đó là những hướng dẫn, cách làm rất thiết thực, chặt chẽ để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lí báo chí, chống báo bẩn, báo đếm tầng, chống tiêu cực, lợi dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu, trục lợi - những vấn đề mà dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ 4T đã và đang quyết liệt đẩy lùi hiện nay...
Hãy xem các quy định có gì sai:
1- Yêu cầu các địa phương kiểm tra thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu với người chưa có thẻ: Quy định này quá đúng, miễn bàn.
2- Địa phương có thể ghi âm buổi làm việc: Cũng nên làm vì đã có rất nhiều vụ nhà báo thêm thắt, nhét chữ, ghi âm để làm cơ sở đối chứng sau này, có gì sai đâu?
3- Yêu cầu xem lại bài trước khi đăng với thể loại phỏng vấn: cái này qui định rõ trong điều 40 Luật Báo chí, không nói nhiều.
4-Trong trường hợp cần thiết, phải xem xét tôn chỉ mục đích cơ quan báo chí có phù hợp với nội dung đề nghị cung cấp thông tin không: Nội dung này nhiều người tranh cãi nhất, viện dẫn điều 25 Luật Báo chí chi rằng nhà báo có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, còn đúng tôn chỉ hay không là việc của cơ quan báo chí khi xuất bản.
Cái này cần lưu ý là văn bản của sở 4T ghi rõ “trong trường hợp cần thiết”, nghĩa là chỉ với những trường hợp không bình thường, chứ không phải tất cả.
Ở đây, nhà báo cũng đừng nên nhầm lẫn quyền được cung cấp thông tin một cách vô tội vạ. Quyền đó phải gắn với công vụ anh được giao thực thi chứ không phải quy định để anh lạm dụng, lấn sân, đòi hỏi bất kỳ ai phải cung cấp mọi thông tin cho mình mà không gắn với công vụ.
Không thể có chuyện anh làm ở tạp chí nghiên cứu lại đòi hỏi cung cấp thông tin thời sự về một sự việc cụ thể không phải là nội dung anh được giao viết bài. Quy định của Quảng Ninh có ý nghĩa rất tốt góp phần đấu tranh dẹp bỏ nạn “báo hoá” tạp chí. Nhiều tờ báo, trang tin lợi dụng danh nghĩa hoạt động báo chí để sản xuất tin bài như báo điện tử, hoạt động sau tôn chỉ, mục đích, xa rời lĩnh vực được cấp phép, suốt ngày sa đà đánh đấm trục lợi!
Chúng tôi cho rằng quy định phải xem xét tôn chỉ mục đích trong một số trường hợp cần thiết khi phóng viên tác nghiệp của Quảng Ninh là cần thiết, là cách làm cần được ủng hộ và nhân rộng.
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo qui định:
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
Đọc các quy định trên thì không thấy chỗ nào ghi là nhà báo thì có quyền yêu cầu cung cấp thông tin vô tội vạ, cung cấp tào lao ko giới hạn. Ngược lại, phải cung cấp “theo quy định của pháp luật” mà tôn chỉ mục đích cũng là một căn cứ quy định của pháp luật.
Đến đây có thể thấy không nên phỉ báng vô căn cứ công văn của Sở 4T Quảng Ninh. Hãy ủng hộ những địa phương mạnh dạn tuyên chiến với báo bẩn, vì sự lành mạnh và danh dự của những người làm báo chân chính!
(Theo Dọn vườn báo chí - Chống Báo bẩn)

Nhận xét