NHẬN DIỆN “BỆNH CÔNG THẦN”




Phương Ngọc

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vai trò của cán bộ là vô cùng quan trọng. Họ là những người có những đóng góp hết sức to lớn, đưa đất nước ta vượt qua các thời kỳ khó khăn, vất vả. Công sức của họ bỏ ra rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, hiện nay, một số cán bộ, công chức lại có tư tưởng “công thần”. Họ lấy danh nghĩa cá nhân, cậy công, cậy sức đã bỏ ra để đòi hỏi nhiều quyền lợi phi lý, một số khác thì có thái độ bất cần, không quan tâm đến kỷ cương, pháp luật.
Có thể, nhiều người chưa hiểu rõ tư tưởng công thần là gì. Tuy nhiên, biểu hiện của nó lại đang hiển hiện rõ trong đời sống hằng ngày. Nhắc đến bệnh công thần, Bác Hồ của ta đã từng phân tích bệnh công thần là: “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm”.
Trong các căn bệnh mà cán bộ, đặc biệt là những cán bộ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo hay mắc phải thời gian vừa qua, bệnh “công thần” dù ít được nhắc đến nhưng nó lại đang hiện hữu không ít trong thực tế. Có những người lãnh đạo tự cho mình là quan trọng, tự cho mình là người đã đóng góp lớn cho Đảng, Nhà nước và sau đó đưa ra các yêu sách, đòi hỏi về những đặc quyền, đặc lợi cho bản thân, gia đình.
Bệnh công thần là một trong những căn bệnh đặc biệt nguy hiểm. Thứ nhất, nó nguy hiểm bởi người mắc bệnh này là những cán bộ, lãnh đạo trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Họ là những người có công, có đóng góp to lớn cho Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, khi họ có những “đòi hỏi” thì rất khó để chúng ta có thể giải quyết. Nếu đáp ứng yêu cầu của họ thì luật pháp không được đảm bảo nghiêm minh, nếu không đáp ứng thì họ “làm loạn”, phá rối gây ra nhiều tác động tiêu cực. Thứ hai, căn bệnh này nguy hiểm bởi nó có thể kéo theo rất nhiều căn bệnh thứ phát khác. Chẳng hạn, khi họ đòi hỏi biên chế cho con em họ thì bệnh “cả họ làm quan”, “cha truyền con nối” sẽ diễn ra. Hay khi họ đòi hỏi tiền tài, nhà cửa, nếu chúng ta giải quyết thì bất bình đẳng sẽ xảy ra, từ đó tạo ra tiền lệ xấu. Và nguy hiểm hơn, đây sẽ là yếu tố khiến cho nội bộ Đảng, nội bộ Nhà nước bị bất ổn, mất đoàn kết, rối loạn từ bên trong.
Hiện nay, nhắc đến bệnh công thần, ta có thể kể đến một số biểu hiện chính như sau:
Thứ nhất, đó là sự coi thường pháp luật. Với tư tưởng cậy công, cậy quyền, nhiều cán bộ, lãnh đạo của ta luôn cho rằng mình là người có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước; họ luôn nghĩ rằng đất nước “nợ” họ nên họ “kiêu ngạo” với đời, với trời, với đồng nghiệp và với nhân dân. Cũng chính bởi vậy nên không ít người nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật, không tôn trọng pháp luật.
Có lẽ chúng chưa quên sự việc một cựu tướng quân đội vi phạm luật giao thông nhưng vẫn lớn tiếng “mắng” chiến sĩ cảnh sát giao thông cách đây không lâu. Thậm chí, vị tướng này còn đe dọa sẽ khiến cho chiến sĩ công an mất việc và cách chức cả giám đốc công an tỉnh nếu không cho xe của ông đi. Không biết với lý do gì mà vụ việc chưa có kết luận cuối cùng (hay vụ việc được xử lý kín hay không thì không rõ). Dù vậy, thông qua đây, ta cũng phần nào thấy được sự hách dịch, tư tưởng công thần trong vị tướng về hưu này.
Thứ hai, đó là việc những “cựu” lãnh đạo đòi hỏi vô lý. Có người thì đưa ra đòi hỏi về vật chất, đòi nhà, đòi xe; có người lại đưa ra đòi hỏi về vị trí “ghế ngồi”, đòi chức, đòi quyền cho con, em mình. Để rồi sau đó, khi yêu cầu không được đáp ứng thì không ít người lại sinh ra ấm ức, khục khặc, bất mãn với chính quyền. Thậm chí, có người từng gắn bó cả đời với Đảng nhưng khi về hưu chỉ vì không được “vuốt ve”, yêu chiều, chỉ vì những đòi hỏi không được đáp ứng mà sinh ra chống đối, xét lại.
Họ cho rằng cán bộ thế hệ sau là “không lễ phép”, là “hư hỏng”, là “không biết trước sau”. Muôn vàn lý do được đưa ra để họ thấy… ghét. Và hiển nhiên, sau khi đã “ghét” thì họ sinh ra không ưa, bất mãn. Từ đây, họ bắt đầu nảy sinh sự thù hằn đội ngũ lãnh đạo, dần dần dẫn đến việc thù hằn chế độ, thù hằn Đảng. Có những người còn quay 180 độ, trở thành các phần tử cực đoan chống đối Đảng, Nhà nước ta. Trước những tiêu cực của xã hội, họ bức xúc. Đây cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cách phản ứng của không ít người lại hết sức sai lầm, “phản động”. Thay vì đóng góp ý kiến để xây dựng tổ chức tốt hơn, nhiều người cậy công, cậy sức của mình đã đóng góp cho đất nước, từ đó đưa ra các “thư ngỏ, tâm thư” yêu cầu lãnh đạo phải xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, phải thay đổi cương lĩnh, bắt kỷ luật ông này, hạ bệ ông kia,… Đây là những vấn đề vô cùng phức tạp, gây ra vô số hệ lụy tiêu cực, khiến nội bộ mất đoàn kết.
Một số người đang tại chức, tại quyền cũng mắc phải căn bệnh công thần này. Chỉ với một chút đóng góp, một chút thành tựu nhưng nhiều người đã coi trời bằng vung, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Thậm chí, có những người ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, tự cho mình là “cứu tinh” của nhân dân. Cũng từ căn bệnh công thần này sinh ra rất nhiều bệnh tật nguy hiểm khác.
Trong tất cả các thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, bệnh công thần đều không thể chấp nhận. Đặc biệt, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến hết sức phức tạp, những đối tượng mắc bệnh công thần rất dễ bị lợi dụng, trở thành những đối tượng chống đối từ trong chính nội bộ của Đảng ta. Vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị của ta phải tích cực vào cuộc, làm trong sạch bộ máy, không để bệnh công thần có điều kiện nảy nở trong cán bộ, Đảng viên.

Nhận xét