KIÊU NGẠO CỘNG SẢN & DÂN TÚY



Có nhiều ông tướng về hưu, tánh hơi bị kỳ. Đồng ý là mấy ông ấy đã từng là những anh hùng trên trận mạc, trong mắt những đứa trẻ sinh ra vào thời đại hòa bình, mấy ông ấy đều là những siêu anh hùng. Nhưng, mình nghĩ là mấy ông ấy phải hiểu rõ cái giá trị của hòa bình và độc lập. Đất nước mới im tiếng súng chưa lâu, đang phát triển, mấy ông ấy nghĩ rằng, mấy ông ấy đã từng trải qua chiến tranh, đã từng sống qua chiến tranh, đã từng giết giặc, thì lũ trẻ bây giờ cũng phải như thế, nếu không là hèn. Mấy ông ấy chỉ trích lãnh đạo Đảng, Chính phủ rằng “hèn với giặc, ác với dân” và muốn đẩy cả dân tộc này vào vòng chiến thêm một lần nữa.
Có một số đại biểu dân túy. Mình nhớ câu nói của một ông đại biểu dân túy nào đó thế này: “Phải cám ơn và phải trả tiền cho người dân nuôi cán bộ” trong vụ việc một số người dân Miếu Môn nhốt các chiến sĩ cơ động. Ôi, sau này điều tra ra, mấy người dân xung quanh và có quyền lợi trực tiếp tại Miếu Môn đều chấp nhận di dời và đền bù, mấy ông đứng đầu lại chả có tý liên quan gì. Từ một hành động sai trái, vô thiên vô pháp được đánh bùn sang ao thành một hành động tình cảm kiểu “quân với dân như cá với nước”.
Có ông khác, còn đòi “giải mật” công văn của Bộ Quốc phòng. Đặt vấn đề rằng: Tại sao lại phải giấu nhân dân? Dân có quyền kiểm tra cơ mà?
Chủ nghĩa dân túy nói đơn giản nhất là đứng về phía nhân dân. Điều này theo xã hội học cơ bản là không sai, nhưng chủ nghĩa dân túy chỉ áp dụng khi điều kiện dân trí xã hội lý tưởng. Điều kiện dân trí xứ ta có lý tưởng không? Cái này thì mỗi người đọc tự trả lời rồi.
Của dân, do dân và vì dân, không phải dân túy.
Có một số chuyên gia kinh tế, hơi bị hay. Họ nhìn đâu cũng thấy tiêu cực và lo ngại. Trong thời họ còn đương nhiệm, kinh tế thì thủng thẳng. Nay họ về hưu, lớp trẻ lên thay, kinh tế tự nhiên có nhiều chuyển biến mới rất tích cực. Đồng ý rằng chúng ta có nhiều nỗi lo, nhưng đời mà cứ nhìn vào mấy cái tiêu cực thì chả bao giờ phất lên được. Chúng ta nhìn vào những mặt chưa được để làm bàn đạp và khắc phục. Chứ không phải nhìn vào rồi sợ hãi bỏ qua.
Kiểu như có người từng nói rằng Vinmart mở đại trà các cửa tiệm tại các miền là một thảm họa kinh tế. Chả biết thế nào mà nó mới được định giá 3 tỷ USD, đừng bảo Cộng sản mua chuộc vì do mấy ông bạn bên Singapore và Nhật Bản định giá ấy chứ. Rồi họ cũng bảo rằng Viettel đầu tư ra nước ngoài sẽ gây ra thảm họa cho Chính phủ Việt Nam, áp lực nợ công và “bảo hộ” có thể khiến cho ngân sách Nhà nước bị trồi sụt.
Góp ý luôn luôn khác với bàn lùi.
Đại đa phần mấy dạng người như trên đều có điểm chung: Đã về hưu và họ cảm giác rằng xã hội dường như không còn trọng dụng cho họ. Họ thèm khát sự chứng tỏ quyền lực và thoát khỏi cái định kiến của riêng họ tự áp đặt ra. Họ cảm giác rằng không ai còn lắng nghe họ nữa. Để gây sự chú ý, những đứa trẻ con thường có hành vi là đập phá, khóc lóc và ăn vạ.
Xã hội đang ngày một biến thiên, quan điểm của lớp cũ chưa chắc đã phù hợp với lớp mới và thời đại mới. Điều nguy hại hơn là lớp cũ có những tư tưởng và quan điểm dần lệch lạc, họ dựa vào uy tín cũ của họ và đang ngày càng cố gắng gia tăng sức ảnh hưởng dựa trên các quan điểm sai trái đó.
Có những siêu anh hùng vẫn mãi sẽ là những siêu anh hùng, nhưng cũng có những siêu anh hùng “biến chất”. Từ anh hùng trở thành thằng khùng, nhanh lắm.
Tifosi, Trần Như Khánh

Nhận xét