Không thể xuyên tạc sự thật


Từ quá trình nhận thức một cách bản chất và sâu sắc về những vấn đề cần giải quyết trong thực tiễn cách mạng, tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, diễn ra từ ngày 20 đến 25-1-1994, Đảng khẳng định một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội ở Việt Nam là “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đến nay, qua các kỳ Đại hội, trực tiếp là Đại hội XII của Đảng năm 2016, “diễn biến hòa bình” tiếp tục được đánh giá thẳng thắn, nghiêm túc, để toàn Đảng, toàn dân nhận diện cụ thể hơn về một nguy cơ có thể làm thay đổi chế độ xã hội, làm chệch hướng phát triển đất nước; đồng thời xác định phải xây dựng tinh thần tự giác, chủ động nhằm phòng, chống có hiệu quả.
Những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau hơn 30 năm đổi mới.


Chiêu trò bịa đặt, xuyên tạc sự thật    

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, để phá hoại, thao túng, gây khủng hoảng trong xã hội ta, các thế lực thù địch đã triển khai “diễn biến hòa bình” như một hệ thống chặt chẽ, tổ chức rất bài bản, lớp lang, có phối hợp trong - ngoài; linh hoạt tận dụng, thích ứng với các biến chuyển; tiến hành trên diện rộng với đủ loại thủ đoạn. Và nổi lên như trọng tâm chống phá của “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam là vấn đề nhân quyền. Đây là âm mưu rất tinh vi, xảo quyệt, thâm độc. Bởi, với ý nghĩa xã hội rộng rãi, nhân quyền trực tiếp liên quan cuộc sống, hoạt động hằng ngày của con người, có khả năng tác động đến nhận thức cảm tính, khiến con người có thể bộc phát suy nghĩ, hành vi thiếu tỉnh táo; khai thác, khoét sâu, làm nóng vấn đề nhân quyền có thể tác động tới một số chính phủ, một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam, khiến họ lên tiếng phê phán, làm ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam, hoặc coi đó là cơ sở ra điều kiện, gây sức ép trong quan hệ kinh tế... Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới phát triển, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, tận dụng báo chí, truyền hình, phát thanh, in-tơ-net với các mạng xã hội (facebook, youtube, website, blog,...) được biến thành công cụ để bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, đổi trắng thay đen, dựng chuyện, phao tin đồn nhảm, gieo rắc tin giả (fake news),.. trong lĩnh vực nhân quyền. Qua đó, các thế lực này biến không thành có, biến có thành không, biến hiện tượng thành bản chất, biến ngẫu nhiên thành tất nhiên, biến cá biệt thành phổ biến, biến bộ phận thành toàn thể... để tấn công, vu cáo, xuyên tạc Đảng và Nhà nước, làm lung lay tư tưởng và niềm tin xã hội, tạo cơ hội hình thành các loại hội nhóm hoạt động dưới danh nghĩa nhân quyền mà thực chất là hoạt động chống phá chế độ, để khi có cơ hội sẽ trở thành cầu nối cho sự can thiệp từ bên ngoài...

Ráo riết triển khai mưu đồ “xây dựng nền móng tinh thần”, một mặt các thế lực thù địch nỗ lực quảng bá, cổ vũ các “giá trị nhân quyền” theo quan niệm phương Tây, mặt khác cố gắng tác động để các giá trị đó thâm nhập vào ý thức người tiếp nhận. Nếu các mạng xã hội như facebook, youtube... bị lợi dụng để tạo nền rộng cho hoạt động chống phá Việt Nam thì tiếp sau đó là một hệ thống hùng hậu cung cấp thông tin thiếu khách quan, xuyên tạc sự thật như: Một số cơ quan truyền thông như RFA, BBC, VOA, RFI...; một số tổ chức quốc tế như HRW (Theo dõi nhân quyền), FH (Ngôi nhà tự do), RSF (Phóng viên không biên giới), CPJ (Ủy ban bảo vệ nhà báo)...; một số cơ quan nhà nước hoặc quốc tế như Bộ Ngoại giao Mỹ, USCIRF (Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ), Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ), Nghị viện châu Âu, Ủy ban Nhân quyền châu Âu, Đặc ủy nhân quyền của một số quốc gia...; một số nghị sĩ như Z.Lofgren, C.Smith, F.Wolf, L.Sanchez, E.Royce… ở Mỹ, Ngô Thanh Hải ở Ca-na-đa, M.Patzelt ở Cộng hòa Liên bang Đức... Kẻ tung người hứng, các tổ chức, cá nhân này phối hợp, quảng bá, nhân rộng các luận điệu thù địch; đưa ra các tuyên bố, công bố các công trình nghiên cứu nhân danh nhân quyền, nhân danh khoa học để xuyên tạc; ủng hộ, o bế một số người vi phạm pháp luật vì truyền bá luận điệu sai trái, có hành vi chống đối, gây rối xã hội...


Mạng xã hội youtube bị lợi dụng cho hoạt động chống phá Việt Nam của một số thế lực thù địch. Ảnh: Tư liệu

Phớt lờ định hướng phát triển riêng của mỗi quốc gia, phớt lờ đặc trưng văn hóa của dân tộc trên tiến trình phát triển, các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, vu cáo Việt Nam “không có tự do báo chí, tự do tôn giáo”; xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực cùng toàn dân phấn đấu để nhân quyền trở thành tài sản chung của xã hội. Họ cố tình gieo rắc một số quan niệm mơ hồ, lệch lạc (“Nhân quyền không biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia”...); tìm mọi cách, tranh thủ mọi cơ hội để ca ngợi “dân chủ phương Tây”, coi “tự do báo chí” kiểu phương Tây là “mẫu mực” và đòi Việt Nam phải mô phỏng... Đồng thời, qua hỗ trợ vật chất và tinh thần, các thế lực chủ mưu “diễn biến hòa bình” cố gây dựng, và làm rùm beng cái gọi “phong trào dân chủ”, khuếch trương một số gương mặt được gắn nhãn hiệu “nhà hoạt động nhân quyền, nhà dân chủ, người yêu nước”, tạo cơ hội giúp họ vu cáo, vu khống Việt Nam... Trong “mê hồn trận” của bao nhiêu điều giả dối, nếu người tiếp xúc thiếu tỉnh táo khi chọn lọc thông tin sẽ dễ bị mê hoặc, thao túng, dần hình thành tâm trạng hoài nghi, hư vô về chính trị, bột phát hành vi phản kháng...

Bàn tay không che nổi mặt trời 

Trên phạm vi thế giới, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Tuyên ngôn) và các công ước về quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của LHQ đã xác lập những chuẩn mực tối thiểu, chung nhất về các giá trị mang tính nhân loại phổ biến về quyền con người. Qua Tuyên ngôn và các công ước, LHQ chỉ rõ các yếu tố rất quan trọng để mọi quốc gia xác định mục tiêu, hoạch định chính sách, bảo đảm quyền của con người trong chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, LHQ cũng xác định đó là các nội dung có tính khuyến nghị, là cam kết chính trị - đạo đức để mọi người, các quốc gia phấn đấu đạt tới, không phải là ràng buộc về chính trị - pháp lý. Vì thế, LHQ luôn tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, luôn nhấn mạnh vai trò của luật pháp ở mỗi quốc gia trong khi đưa ra các giới hạn để bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm tự do ngôn luận, bảo đảm tự do tín ngưỡng - tôn giáo, bảo đảm mỗi người được thụ hưởng và thực hiện các quyền của mình một cách bình đẳng.

Để sử dụng Tuyên ngôn và các công ước làm công cụ chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí sử dụng thủ đoạn cắt xén các văn bản này qua việc chỉ trích dẫn nội dung phù hợp, tảng lờ nội dung không phù hợp, rồi mập mờ coi đó là “luật pháp quốc tế” phải tuân thủ... Trong khi đó, Tuyên ngôn và các công ước đã không chỉ khẳng định nhân quyền là giá trị tất yếu hiển nhiên mà còn yêu cầu trong khi thực thi nhân quyền “1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà ở đó có thể thực hiện được sự phát triển tự do và đầy đủ nhân cách của bản thân. 2. Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, và đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ” (Tuyên ngôn - Điều 29). Như vậy, việc thực thi các quyền của cá nhân (nổi lên là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo - hai vấn đề mà các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí thường tập trung chống phá) luôn phải đặt trong tương quan với luật pháp, với quyền của người khác, với thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm cộng đồng; và cần phải dứt khoát khẳng định tự do ngôn luận luôn có giới hạn, hoạt động tôn giáo phải thực hiện trong khuôn khổ pháp luật... Đó là các nguyên tắc phải thực thi để bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa nhân quyền với việc tổ chức, quản lý một xã hội văn minh, góp phần tạo điều kiện, cơ hội để mọi người Việt Nam cùng được thụ hưởng các quyền con người chân chính.



Giáo dục được quan tâm hàng đầu ở Việt Nam trong tất cả các cấp học. Ảnh: Tư liệu

Thí dụ điển hình cho việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam là quan điểm, chính sách thiết thực của Nhà nước bảo đảm các tín ngưỡng, tôn giáo và tín đồ theo tín ngưỡng, tôn giáo thực hành đức tin. Các năm qua ở Việt Nam, rất nhiều nhà thờ Công giáo được tu sửa, xây mới, các thánh lễ tổ chức trang trọng, đông vui; hàng triệu giáo dân vẫn dự lễ tại các nhà thờ. Các hoạt động tôn giáo lớn tổ chức tại Sở Kiện (Hà Nam), La Vang (Quảng Trị)… không gặp trở ngại nào của chính quyền. Tại Lễ mừng 50 năm thành lập Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tổ chức ở Giáo xứ Thánh Đa Minh - Ba Chuông (TP. Hồ Chí Minh), Giám mục Nguyễn Thái Hợp nhấn mạnh: Sau 50 năm, số tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tăng gấp ba lần, đứng thứ hai trong dòng Đa Minh thế giới, hoạt động ở 17 Giáo phận tại Việt Nam và tám nước khác... Cùng với đó là hàng chục triệu tín đồ phật giáo luôn đồng hành cùng với dân tộc, hàng triệu tín đồ các tín ngưỡng, tôn giáo khác sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Không ngẫu nhiên, LHQ lại chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức thành công Đại lễ Phật đản LHQ vào các năm 2008, 2014, 2019... Đó là cơ sở để qua một video-clip trên youtube, ông A. Sauvageot - cựu đại tá CIA từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, sau năm 1975 là Trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ tại Thái Lan, sau đó là Trưởng đại diện của General Electric, cố vấn cho Interstate Traveler Company tại Việt Nam, đã nói rất cụ thể: “Nếu ai hỏi tôi, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam là bao nhiêu, theo tôi là 100%. Một điều nữa, tự do không tín ngưỡng của Việt Nam cũng là 100%. Cá nhân tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng làm việc ở Việt Nam, tôi không bao giờ bị mang tiếng xấu vì điều đó. Tôi có nhiều người bạn là người Mỹ và Việt Nam, họ theo Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo... Tôi khẳng định những người bị bắt không bao giờ vì lý do tôn giáo mà vì họ vi phạm pháp luật của chính đất nước đã nuôi dưỡng họ. Tôi nghĩ, một số thành phần thù địch ở Mỹ cố tình xuyên tạc tình hình Việt Nam và nghiễm nhiên có một số thành phần không có kiến thức, không hiểu thực tế vì chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam, nghe theo lời xuyên tạc, đi theo một cách mù quáng”.

Người Việt Nam thường nói: “Bàn tay không che nổi mặt trời”. Dù các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam cố tình xuyên tạc, vu khống Việt Nam trong vấn đề nhân quyền thì họ cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên là ở Việt Nam, nhân quyền đã và đang là thành tựu rất to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đạt được. Đó là: Mọi công dân được sử dụng lá phiếu lựa chọn đại diện của mình từ Quốc hội tới HĐND các cấp, tham gia xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; an sinh xã hội từng bước được bảo đảm; điện - đường - trường - trạm đã được triển khai ở những vùng còn khó khăn; vùng sâu, vùng xa được quan tâm phát triển; hàng triệu ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng dành cho người nghèo; bảo hiểm y tế đến với toàn dân; trẻ em đều được đến trường; người già, người không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người yếu thế… được Nhà nước quan tâm chăm sóc; bình đẳng giới đã được luật hóa với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006; công dân theo tín ngưỡng, tôn giáo luôn sống “tốt đời, đẹp đạo”; báo chí và truyền thông trở thành phương tiện thông tin, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, góp phần định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; độc lập và chủ quyền đất nước được quan tâm giữ gìn, bảo vệ; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao…

Đó là những thành tựu hết sức to lớn khẳng định tính chất đúng đắn, ý nghĩa nhân văn của con đường cách mạng đã được Đảng và Bác Hồ lựa chọn; đồng thời là động lực để toàn Đảng, toàn dân Việt Nam tiếp tục phấn đấu đạt tới các mục tiêu cao cả về nhân quyền là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Anh MinhHà Lê, Cục Đối ngoại, Bộ Công an

Nhận xét