Âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với văn hóa, văn nghệ chỉ là sự cường điệu, “báo động giả” hay thực sự đáng báo động?



ĐINH XUÂN DŨNG
GS, TS, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương

TCCS - Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã và đang có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với không ít nguy cơ, thách thức. Một trong những thách thức, nguy cơ đã được Đảng ta chỉ ra là âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, trong đó có việc chúng triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông để tấn công mạnh mẽ hơn về tư tưởng - văn hóa và coi đây là mũi nhọn chống phá Đảng và chế độ ta. Vậy đặc điểm, những biểu hiện của âm mưu này ra sao? Cần có giải pháp ứng phó như thế nào? Đó là những câu hỏi bức thiết cần được giải đáp hiện nay.
1-  Hiện nay, trong dư luận xã hội và trong giới trí thức, văn nghệ sĩ đang có những nhận định, ý kiến khác nhau về tác động của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với văn hóa, văn nghệ nước ta. Có ý kiến khẳng định mạnh mẽ, “báo động” về tác hại trực tiếp và thực trạng rất phức tạp của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực có nhiều đặc thù này. Cũng có ý kiến cho rằng, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chủ yếu trên lĩnh vực chính trị, tổ chức, nhân sự, ngoại giao..., còn nói “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ thì chỉ là sự cường điệu, thậm chí là “báo động giả”. Vậy cần bình tĩnh, tỉnh táo khi nhận diện những biểu hiện của “diễn biến hòa bình”, đánh giá những tác động, ảnh hưởng của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Có thể thấy rằng, nghiên cứu, đánh giá tác động của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” với văn hóa, văn nghệ không đơn thuần là vấn đề chính trị mà đó vừa là vấn đề của chính trị, vừa là vấn đề của khoa học. Do vậy, không thể giản đơn, máy móc, quy chụp và cũng không thể lảng tránh, không nhận ra tác động tinh vi, phức tạp của “diễn biến hòa bình” đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, đánh giá cần tránh hai khuynh hướng sau: Một là, mất cảnh giác hoặc phủ nhận tác động của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Hai là, quy chụp với cách nhìn máy móc, cứng nhắc, không hiểu biết đầy đủ về bản thân văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ mới với rất nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của văn hóa, văn nghệ, góp phần vào sự phát triển của con người và xã hội.
2- Có âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ không? Đây là một câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi phải tìm được câu trả lời trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn.
Ngay từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cùng với âm mưu xâm lăng nước ta bằng quân sự, các nước đế quốc còn thực hiện âm mưu xóa bỏ những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Nhận định của Bác là sáng suốt, bởi đến nay, mặc dù thế giới đã thay đổi nhanh chóng, tương quan và hình thái xã hội trên toàn cầu đã có nhiều biến đổi, nhưng có thể thấy các nghị quyết, văn kiện của Đảng và Nhà nước ta trong mấy nhiệm kỳ gần đây đều vẫn nhấn mạnh các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Thực tế, không ít các nhà nghiên cứu nước ngoài từng đưa ra những lo ngại, băn khoăn rằng, trong quá khứ Việt Nam có đủ khả năng chống trả ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài, nhưng hiện nay liệu người Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để chống lại thông tin xấu, độc từ các nước phương Tây nhằm hạn chế tối đa những tác động xấu đối với xã hội và con người... Không phải vô cớ mà Tổng thống Mỹ R. Nich-xơn, khi thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô (trước đây) đã lớn tiếng tuyên bố khâu quyết định có ý nghĩa chiến lược là bằng mọi cách “tước bỏ vũ khí tư tưởng của đối phương” và coi tư tưởng, văn hóa, văn nghệ như là “cửa mở” của “cuộc chiến tranh không có khói súng”, các “cuộc cách mạng sắc màu”, “cách mạng nhung”... để đi đến “chiến thắng không cần chiến tranh”...
Hiện nay, nhiều thông tin toàn diện, trong đó có nhiều minh chứng cụ thể đã cho chúng ta thấy rõ hơn các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với Việt Nam. Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các blogger đã tấn công cá nhân các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam, chiến lược chung là nhằm tạo ra sự mất ổn định kinh tế - chính trị - xã hội. Hoạt động này đã và đang được thực hiện một cách ráo riết cùng với việc lợi dụng các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức núp dưới chiêu bài bảo vệ “nhân quyền” và không ít người đã nhận được “hỗ trợ”, “tài trợ” từ các cơ quan nước ngoài, các tổ chức văn hóa, thậm chí trực tiếp từ chính phủ một số nước phương Tây. Về văn hóa, toàn bộ vũ khí văn hóa chống lại “nền tảng tư tưởng” đã được thiết kế, “sản xuất” ở phương Tây, sau đó được “cấy ghép” vào các nước ở Trung và Nam Mỹ, khu vực Nam Phi, vào Trung Quốc, Nga và ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Như vậy, dù vẫn còn những người nghi ngờ, lảng tránh, “bỏ qua”, thậm chí cho là “báo động giả”, nhưng thực tế cho thấy, âm mưu của các thế lực thù địch hòng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam là có thật, thậm chí “sản phẩm” này còn được đề ra, được xác định thực hiện trong một thời gian dài, có lộ trình cụ thể và đã được đưa lên thành chiến lược trong thời kỳ mới từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay. Trong chiến lược đó, tư tưởng, văn hóa, văn nghệ luôn là “cửa mở”, “cửa đột phá để tước bỏ vũ khí tư tưởng của đối phương”, từ đó nhằm đánh gục đối phương từ bên trong, từ bên trên, từ gốc “nền tảng tư tưởng”.
3- Những năm qua, cuộc “đọ sức” giữa âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với lực lượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở nước ta (lãnh đạo, quản lý, sáng tác, biểu diễn...) diễn ra tưởng như thầm lặng nhưng thực ra rất quyết liệt, phức tạp, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp.
Mặc dù các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hoạt động chống phá ngày càng ráo riết, nhưng cần phải khẳng định rằng, văn hóa, văn nghệ của chúng ta vẫn phát triển đúng hướng, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc. Lực lượng sáng tạo và hoạt động trên lĩnh vực này, theo nhận định sáng suốt của Đảng và nhân dân, là những người tin cậy, trung thành, có nhiều đóng góp, có tình yêu đất nước, dân tộc, nhân dân, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới và với nghề nghiệp. Nhận định đó là khách quan, trung thực và đã được minh chứng trong thực tiễn.
Mặc dù các thế lực thù địch, cơ hội chính trị chống phá ngày càng ráo riết, nhưng lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của chúng ta vẫn phát triển đúng hướng, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc _Ảnh Tư liệu
Tuy nhiên, cũng không thể lảng tránh một thực tế là tác động của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đã thể hiện ngày càng rõ hơn, tinh vi hơn, cả trực tiếp lẫn gián tiếp trong các khâu của quá trình sáng tạo, quản lý, quảng bá, truyền bá lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Đã xuất hiện những “tác phẩm” có dụng ý chính trị rõ rệt phủ định con đường và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, thông qua việc bôi đen hiện thực lịch sử hoặc dùng những “hình tượng” mang tính ẩn dụ đen tối nhằm giễu nhại con đường cách mạng của dân tộc mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Vũ Thư Hiên, Bùi Tín những năm trước đây, nhóm “mở miệng” trong những năm cuối thế kỷ XX và cả truyện ngắn của một số cây bút trẻ gần đây đã bộc lộ rõ khuynh hướng này. Hùa theo khuynh hướng đó là những người làm phê bình, giới thiệu đã tìm cách đề cao các loại “tác phẩm” như vậy, coi đó là “trung thực”, là “sức mạnh” của bên lề, của ngoại vi đang tấn công để “giải” (hóa giải) trung tâm, là sự “sáng tạo” và “phát hiện” độc đáo. Thực chất, họ đã dùng những thủ pháp nghệ thuật để vu cáo, xuyên tạc, bôi bẩn các giá trị văn hóa dân tộc, các thành tựu cách mạng cả trong quá khứ và hiện tại.
Thực tế cho thấy, để đi tới thắng lợi hoàn toàn, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, trong suốt 30 năm (từ năm 1945 đến năm 1975), dân tộc ta đã phải trải qua muôn vàn hy sinh, gian khổ tận cùng. Đó là sự thật lịch sử, và sự hy sinh đó không phải vô ích, vô nghĩa. Chúng ta không hề muốn chiến tranh nhưng kẻ thù đem gươm, súng đến đất nước này thì “giặc dùng đạn bom ta giáng trả bằng đạn bom”, vì sự mất còn của cả dân tộc, vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Chân lý lịch sử đó là rõ ràng nhưng các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị và một số người trẻ “ngây thơ” đã tìm cách xuyên tạc chân lý đó. Một số tác phẩm văn học, nghệ thuật đã miêu tả cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta toàn một màu đen tối, chết chóc, bi kịch, vô nghĩa; phủ định sạch trơn những sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ chiến tranh, coi đó là “minh họa”, là tô hồng, là cao hơn, là đứng trên hiện thực. Chúng ta không phủ nhận những hạn chế lịch sử của mảng văn học, nghệ thuật trong chiến tranh nhưng không thể nhân danh “đổi mới” để bôi nhọ cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc bằng việc chỉ miêu tả mặt đen tối, sự chết chóc và tha hóa con người trong chiến tranh. Khuynh hướng này chỉ là phiến diện, chưa trung thực với lịch sử.
Đã từ lâu, ở phương Tây và ở Mỹ lan truyền một thông tin rằng, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do bị “giật dây” hoặc đó là một cuộc “nội chiến”. Những năm gần đây, luận điệu đó được “sản xuất” bởi một số chính trị gia phương Tây và đã nhanh chóng được “nhập khẩu” vào Việt Nam, tác động đến suy nghĩ, nhận định của một số trí thức, văn nghệ sĩ. Luận điệu đó đã đi vào một vài “sản phẩm” nghiên cứu, một số sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật. Ở một vài tác phẩm, các tác giả đã cố tình cài cắm luận điệu “nhập khẩu” đó như là một sự “phát hiện mới” của mình. Có lẽ, do phần lớn trong số họ đều là những người đứng ngoài cuộc chiến đấu nên không hiểu được khát vọng sâu thẳm của hàng triệu người Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hoặc có người chạy theo “mốt thời thượng” về chính trị mà không am hiểu, thậm chí “không muốn hiểu” sự thật lịch sử đã được thừa nhận từ lâu. Thực tế đã chứng minh luận điệu của ai đó cho rằng cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam là “chiến tranh ủy nhiệm” hoàn toàn là sự “ngây thơ” hoặc cố tình xuyên tạc lịch sử.
Năm 1965, đế quốc Mỹ đem quân ồ ạt vào miền Nam nước ta, bắt đầu chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Nhưng chỉ vài năm sau, chiến lược đó thất bại thảm hại. Tổng thống Mỹ công khai tuyên bố chuyển sang chiến lược mới “Việt Nam hóa chiến tranh”, nghĩa là Mỹ vẫn chủ mưu, vẫn viện trợ, trang bị “tận răng” cho quân đội và chính quyền Sài Gòn. Âm mưu này thâm độc hơn nhưng ngay từ đầu đã mang dấu hiệu thất bại. Đầu năm 1975, khi chúng ta mở chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, chính quyền Sài Gòn đã kêu gào Mỹ viện trợ tiền và vũ khí và khi không đạt được sự cầu cứu thảm hại đó, chính họ đã “đổ lỗi” cho Mỹ về sự sụp đổ của mình. Mặc dù vậy, tại sao lại vẫn có người cố tình miêu tả, bình luận cuộc chiến này là “nội chiến”.Phải chăng họ đã “ăn phải bả” của một số chính trị gia phương Tây?
Những năm gần đây, rải rác xuất hiện một số sáng tác tập trung miêu tả, khắc họa những con người bi quan, bế tắc, tâm trạng trống rỗng, không tin và không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Nhân vật trong các tác phẩm đó thường là thanh niên hay những người ở độ tuổi mới lớn. Chúng ta không phủ nhận trong xã hội hiện nay có một bộ phận nhỏ rơi vào tâm trạng đó. Song cường điệu điều đó để đi tới sự phủ định những điều tốt đẹp của cuộc sống, tạo ra bức tranh thê thảm của xã hội, reo giắc trong thế hệ trẻ sự bế tắc là trái với bản chất nhân văn của văn học, nghệ thuật. Ví dụ như lời một số ca khúc trong đĩa “Cái nường 8X” của nhạc sĩ Ngọc Đại với 9 bài hát mà hầu hết lời lẽ đều toát lên một tâm trạng uất ức, tức tối, căm giận với những ca từ, như “Thôi chào nhé. Chào vĩnh biệt những mùa xuân thật là thê thảm. Những mùa xuân thật là dã man. Những mùa xuân tối tăm, bệnh hoạn. Những mùa xuân đã chết rồi trong trái tim của anh và em và cũng có thể của cả một dân tộc. Chết dần, chết mòn, chết thật rồi....”(bài Vĩnh biệt). “ Mùa xuân thật là ngu ngốc, chán ngắt, buồn nôn”, “phí hoài, chán ngắt, bước chân mộng du...” (bài Thông điệp hoa hồng)... Đây là những bài hát đi ngược lại thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, tuyên truyền chống Tổ quốc, chống nhân dân, bôi xấu, xuyên tạc chế độ. Có thể thấy, đó là quan niệm lệch lạc của cá nhân nghệ sĩ, vậy “diễn biến hòa bình” ở đâu? Phải chăng đó chính là việc truyền bá chủ nghĩa hư vô, bi quan, trầm cảm và hoài nghi. Mục tiêu chính của nó là làm nảy sinh sự bất mãn, làm sai lệch tư tưởng, làm suy yếu chủ nghĩa yêu nước trong thế hệ trẻ. Tác động tai hại, thâm độc của âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chính là như vậy.
4- Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Song trong tiến trình đó, có lúc chúng ta có khuyết điểm, hạn chế. Nhiều năm nay, đặc biệt là thời gian gần đây, chúng ta đang kiên quyết chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... Chưa bao giờ chúng ta yêu cầu văn hóa, văn nghệ phải “tô hồng” cuộc sống. Trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (tháng 7-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, văn học, nghệ thuật trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống, dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp phát triển con người, phát triển đất nước. Đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới. Qua đó cũng thể hiện quan điểm và tư duy biện chứng, xuất phát từ thực tiễn của Đảng ta trên cơ sở thấu hiểu sâu sắc sứ mệnh, chức năng của văn học, nghệ thuật.
Thế nhưng, chịu sự tác động của âm mưu “diễn biến hòa bình” và bản thân “tự diễn biến” theo chiều hướng xấu, một số văn nghệ sĩ đã chỉ chú trọng “phanh phui” mặt tiêu cực, góc tối, cái xấu của xã hội và con người với một giọng điệu giễu nhại đầy ác ý và vô cảm. Số lượng “tác phẩm” loại này không nhiều nhưng tác hại lại rất lớn, vì nó đánh phá vào niềm tin của con người, nó dẫn dụ một bộ phận cán bộ, quần chúng tự tách mình ra khỏi cuộc sống, tự coi mình là vô can để có quyền phủ định, giễu nhại, phán xét. Đó chính là những kẻ cơ hội chính trị trong hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Thực tiễn cho thấy, từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, đã xuất hiện những phần tử cơ hội. Họ tự tách ra khỏi đội ngũ, tỏ ra lo lắng nhưng huênh hoang coi mình là sáng suốt rồi khoái trá đầy ác ý chờ đợi sự thất bại mới của những người không quản nguy hiểm, dũng cảm khai phá con đường mới.
Những năm trước đây, do hoàn cảnh chiến tranh và do hạn chế chủ quan, chúng ta chưa có sự đánh giá khách quan, toàn diện về mảng văn hóa, văn nghệ ở miền Nam vùng Mỹ - ngụy  chiếm đóng. Đó là một tổng thể phức tạp bao gồm nhiều khuynh hướng khác nhau, tiến bộ và lạc hậu, cách mạng, yêu nước và phản động, dân tộc và ngoại lai... Những năm gần đây, chúng ta bắt đầu có cách nhìn mới, tạo dựng sự hòa hợp để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ mục tiêu trong sáng đó, chúng ta đã và đang nhìn nhận lại và có những đánh giá mới, tìm ra những giá trị tốt đẹp, tiến bộ, yêu nước, tinh thần dân tộc, nhân văn trong một số tác phẩm của mảng văn hóa, văn nghệ trên. Công việc đó chưa thể hoàn kết. Song lợi dụng bối cảnh đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và cả những người thiếu sự tỉnh táo đã tái bản và đề cao thiếu chọn lọc cả những tác phẩm có ý đồ chính trị và tư tưởng sai lầm, phản dân tộc, chống chế độ. Người ta tưởng rằng, nhân dịp này có thể đánh tráo trắng - đen, phải - trái, để truyền bá trong công chúng những tác phẩm như vậy nhằm “chiêu tuyết” một số tác phẩm, tác giả đã bị lịch sử, nhân dân phê phán. Đây là một loại hoạt động tinh vi trong âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Ở một vài trường đại học, việc xuất hiện khuynh hướng chọn các tác phẩm trên làm đề tài nghiên cứu luận văn, luận án cho thấy chúng ta còn lơ là, chủ quan với xu hướng có tác hại lâu dài này. Để làm rõ ý đồ xấu của những kẻ lợi dụng trên, xin trích một đoạn trong bài viết của Thu Tứ - con trai của Võ Phiến, một nhà văn đã có những biểu hiện, quan điểm chính trị sai lầm trong một số sáng tác của mình ở miền Nam thời chống Mỹ: “Chẳng ai muốn chỉ ra cái sai của người đẻ ra mình! Chúng tôi làm việc này vì vừa được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm của nhà văn Võ Phiến chứa đựng nội dung chính trị sai lầm. E rằng việc làm của họ có thể khiến một số người đọc hoang mang, ảnh hưởng tới đoàn kết dân tộc, chúng tôi quyết định tự mình phản bác nội dung này... Sẽ hết nhóm nọ đến phe kia những lúc nào đó đem vận dụng văn nghiệp Võ Phiến một cách có hại cho đất nước. Phải làm cho thật rõ về cái phần nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp ấy ngay từ bây giờ”(1).
5- Hiện nay, nước ta đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đó là một đòi hỏi và cũng là nhu cầu khách quan. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, in-tơ-nét,... đang tác động hằng ngày vào nước ta, đem lại những tri thức mới, hiện đại, cập nhật, đồng thời cũng du nhập vào nước ta những sản phẩm độc hại, phản văn hóa, phản thẩm mỹ và phản động về mặt tư tưởng. Đây là con đường mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước, những phần tử cơ hội tìm cách “nhập khẩu” những quan điểm thù địch, sai trái vào nước ta, trong đó có không ít những sản phẩm văn hóa, văn nghệ. Một bộ phận quần chúng, nhất là thanh niên đang bị chi phối bởi các sản phẩm loại đó, nhất là trên các trang điện tử, mạng xã hội và trong hoạt động xuất bản. Không ít bản thảo không được xuất bản bằng các bản in chính thống đã được đưa lên mạng, gây nhiễu loạn trong nhận thức chính trị và cảm thụ thẩm mỹ của một bộ phận “cư dân” mạng. Nếu không có sự tỉnh táo và biện pháp cương quyết thì sẽ có nhiều loại sản phẩm kiểu đó tiếp tục xuất hiện.
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã khẳng định, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, văn hóa, văn nghệ là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, tinh tế và nhạy cảm. Vì thế, bảo vệ vững chắc, chủ động, kiên định và linh hoạt lĩnh vực này là góp phần trực tiếp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với ý nghĩa và vị trí đó, cần phải khẳng định rõ ràng rằng, đây là cuộc đấu tranh để bảo vệ con người, “giành giật” con người cho chủ nghĩa xã hội và cho khát vọng Chân - Thiện  - Mỹ của chính con người./.

Nhận xét