VĨNH BIỆT CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN CỦA KHKT QUÂN SỰ VIỆT NAM



Trung tướng Trương Khánh Châu tên thật là Trương Minh Trinh sinh năm 1934 tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Cha là Trương Minh Vẽn, làm thợ điện ở Nhà máy đèn. Ảnh hưởng từ cha, ông có lòng ham mê học kỹ thuật từ nhỏ.
Trương Khánh Châu tham gia cách mạng từ tháng 11/1949 với nhiệm vụ làm thư ký cho Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Long Châu Hậu. Tháng 5-1950, tham gia chiến đấu ở bộ đội địa phương, ông đã từ chối đi học làm chỉ huy để trở thành một người thợ kỹ thuật quân giới. Tháng 3/1955, tập kết ra Bắc, ông được làm thợ đặc thiết sân bay Gia Lâm - Hà Nội. Trong tâm trí ông lúc đó chỉ ước mơ trở thành thợ bậc cao để phục vụ cho Tổ Quốc và ông đã được toại nguyện.
Từ một người lính với trình độ lớp 5, 25 tuổi mới tốt nghiệp lớp 10, ông đã không ngừng học hành phấn đấu, trở thành Tiến sĩ khoa học kỹ thuật thuộc Học viện Kỹ thuật không quân Giucôpxki (Liên Xô cũ), là 1 trong 5 người trên thế giới được phong tặng Tiến sĩ khoa học danh dự Đại học Tổng hợp hàng không Quốc gia Ukraina. Ông được công nhận là Viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm các khoa học tự nhiên Nga, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hàng không và Vũ trụ Nga.
Đặc biệt với những công lao của mình, ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ.
Cuộc đời ông gắn liền với những sự kiện quan trọng đối với ngành kỹ thuật quân sự, nhất là kỹ thuật không quân:
- Ông là người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo ra tay phanh phụ máy bay bằng cách chỉ có nhìn ngắm, rồi đo, vẽ, và tự tìm cách chế tạo, hoạt động được 2.000 giờ bay.
- Ông là người đã giải quyết bài toán tăng tính cơ động của máy bay chiến đấu MIG 17 - có thể hạ cánh ở bất cứ đâu, với "đường băng" tiếp đất ngắn nhất bằng cách thiết kế cho nó một cái dù. Từ chỗ cần đường băng 1.500 mét, qua tay ông, nó chỉ cần đường chạy phẳng 500 mét, và hạ cất cánh ở mọi địa hình, không cần sân bay, miễn là một cái bãi bằng phẳng.
- Ông cũng là người đầu tiên cải tiến chiếc IN28, từ chỗ chỉ chở máy ảnh nặng 300kg đến chở bom nặng 3 tấn. Và sau sự cải tiến này, chiếc IN28 đã lập công lớn khi bay sang ném bom cháy 1 kho xăng 2 triệu lít của Mỹ tại nam Lào.
- Ông cũng là người đã nghĩ ra cách lắp thêm cái giàn trên lưng máy bay MIG 21 để trực thăng có chỗ mà cẩu nó sơ tán khỏi các sân bay nhằm giảm thiểu thiệt hại cho máy bay ta khi Mỹ bắn phá các sân bay v.v...
- Ông là người đầu tiên chế tạo một chiếc máy bay made in Viet Nam. Từ một nhóm nghiên cứu gồm 13 phó tiến sĩ, 30 kỹ sư và công nhân lành nghề đã tự nghiên cứu mày mò trong tám năm trời (1979-1987) và thiết kế, chế tạo thành công ba chiếc máy bay. Chiếc ra đời đầu tiên vào đầu năm 1980 là chiếc TL-1. Chiếc này đã bay ba giờ đồng hồ trong lần thử đầu tiên và tiếp đất an toàn.
Sau đó, nó cùng hai đứa "em kế" của mình là HL-1, HL-2 bay thử cả chục lần nữa. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã đến xem và rất xúc động, tự hào... Vật liệu làm máy bay đều là tận dụng từ vật liệu để làm nhà xưởng, máy bay... Kể cả động cơ máy bay cũng tận dụng lại các máy bay Mỹ để lại. Ông cùng đồng đội thời đó không đòi hỏi tốn kém gì của Nhà nước, cũng không ai kêu ca, phàn nàn, dù rất vất vả, thiếu thốn. Nhiều đêm, họ phải đi bắt cóc, bắt chim về cải thiện bữa ăn lấy sức mà làm việc.
Khắt khe với công việc, với chính mình, nhưng ông Hai Châu lại rất gần gũi, hòa đồng và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Ông nhắc cán bộ cơ quan khi xuống làm việc với đơn vị phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, không được phân biệt "cấp trên, cấp dưới". Đánh giá, nhận xét đơn vị phải thẳng thắn, khách quan.
Bà Nguyễn Thúy Lan, phu nhân của ông tâm sự rằng có những hôm 12 giờ đêm ông về đến nhà và vẫn miệt mài làm việc cho đến sáng, chỉ ngủ có 1 tiếng đồng hồ. Niềm đam mê kỹ thuật và sự phấn đấu không ngừng cho khoa học đã là động lực cho Trung tướng Trương Khánh Châu trở thành một trong những cánh chim đầu đàn kỹ thuật của toàn quân, góp phần quan trọng xây dựng ngành kỹ thuật toàn quân.
Ngày 11 tháng 9 năm 2019 vừa qua, ông từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng chí, đồng đội và người thân.
Sáng 18-9, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng; chính quyền địa phương và gia đình tổ chức trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu Trung tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Trương Khánh Châu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Giám đốc Trung tâm Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ Quân sự Bộ Quốc phòng.
Lễ tang đồng chí Trung tướng Trương Khánh Châu được tổ chức theo nghi thức Lễ tang Cấp cao.
* Xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông.

Nhận xét