CHỦ ĐỘNG ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM, LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC



Phương Ngọc

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới, khu vực; những thuận lợi, thời cơ, triển vọng và cả những khó khăn, thách thức mới của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước… đã xuất hiện và phát triển những quan điểm sai trái, thù địch với nhiều cấp độ, trình độ và hình thức biểu hiện từ nhiều đối tượng khác nhau. Nhìn một cách toàn diện có thể thấy gần đây, các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam ngày càng được tổ chức có hệ thống, mang tính tổng hợp, diễn ra trên biên độ rộng, không thuần túy là vấn đề lý thuyết, luận giải lô-gích - lịch sử,… mà còn là sự kiện xã hội - con người mới nảy sinh, những vấn đề của cuộc sống.
Những quan điểm này của các thế lực thù địch, các phần tử phản động, thoái hóa, cơ hội chính trị, bất mãn và có cả những người trong nội bộ chúng ta do trình độ lý luận, trình độ nhận thức chính trị yếu kém mà nảy sinh những quan điểm sai trái đang tấn công toàn diện, vừa trực tiếp vừa gián tiếp vào những vấn đề về tư tưởng, chính trị đến các vấn đề xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh: từ những vấn đề về đối nội đến các vấn đề đối ngoại; từ những vấn đề về chủ trương, chính sách đến các vấn đề thuộc tổ chức thực hiện; từ con người đến tổ chức, đặc biệt là tổ chức Đảng; từ quá khứ, lịch sử đến hiện tại và cả tương lai phát triển của dân tộc; từ cả những thành tựu, ưu điểm đến những hạn chế, nhược điểm, khó khăn, thách thức của chúng ta… Điều đó đã và đang gây nên nhiều nguy hại đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
So với thời kỳ trước, ngày nay các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch được tiến hành trong sự phối hợp chặt chẽ giữa một số người gọi là "nhà lý luận" và một số chính khách ở phương Tây, một số tổ chức quốc tế nhân danh dân chủ và nhân quyền, chính phủ ở một số quốc gia, với một số người trong nước được gắn nhãn hiệu "nhân sĩ, trí thức, nhà báo tự do, người bất đồng chính kiến, nhà đấu tranh nhân quyền". Và nếu thuyết âm mưu được sử dụng làm công cụ chủ yếu để xuyên tạc, dựng chuyện thì mọi mưu đồ, thủ đoạn, luận điệu không chỉ được BBC, RFA, VOA, RFI,… phụ họa mà còn được sự hỗ trợ của internet với các mạng xã hội có khả năng phổ cập đến mỗi cá nhân.
Ðó là một số nguyên nhân cơ bản khiến cho quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc có thể thực hiện trên diện rất rộng. Ở Việt Nam, còn có thể nhận thấy hiện tượng đáng lo ngại này khi không ít cá nhân (trong đó có một số cán bộ, đảng viên) qua facebook đã bày tỏ suy nghĩ tiêu cực, công bố ý kiến không dựa trên nền tảng của nhận thức tỉnh táo và lý trí, bình luận theo hướng bôi đen, bé xé ra to, hô hào người khác hưởng ứng, thậm chí lại hùa theo luận điệu của kẻ xấu để phê phán đường lối và một số chủ trương, chính sách của Nhà nước…
Trước thực tế đó, nhiều năm nay Ðảng ta đã xác định việc đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cấp bách thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, của mọi công dân. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng ta đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để chứng minh tính tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và các ưu việt mà chủ nghĩa xã hội đem tới cho xã hội - con người, cũng như các thành tựu không thể bác bỏ của sự nghiệp đổi mới. Kết quả các nghiên cứu này được công bố để toàn Ðảng, toàn dân nhận thức sâu sắc, cụ thể hơn về định hướng quá trình phát triển đất nước, động viên mọi người đóng góp vào sự nghiệp chung.
Qua báo chí, truyền thông, chúng ta kịp thời đấu tranh vạch trần bản chất các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc; vạch trần chân tướng những tổ chức, cá nhân núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền nhằm tiến công vào chế độ xã hội ta, vu cáo Nhà nước Việt Nam; đưa ra các luận chứng, cung cấp thông tin làm sáng tỏ một số vấn đề, sự kiện, hiện tượng đã bị các thế lực thù địch xuyên tạc và lợi dụng để vu cáo… Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu lý luận với báo chí, truyền thông; một số bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc còn có xu hướng hô hào chung chung nên thiếu sức thuyết phục; khi đấu tranh, phản bác, một số báo chí còn chạy theo vụ việc, thiếu chủ động… Phải nói rằng, những hạn chế nêu trên ít nhiều có ảnh hưởng tới hiệu quả của việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trong cuộc đấu tranh này, báo chí và truyền thông giữ vai trò cực kỳ quan trọng, cho nên cần coi việc đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ của mỗi cơ quan báo chí, mỗi địa chỉ truyền thông. Ðể hoàn thành nhiệm vụ này, báo chí và truyền thông cần xác định cụ thể về trách nhiệm để chủ động, linh hoạt tổ chức, công bố tin, bài đấu tranh, phản bác có tầm lý luận, mang ý nghĩa thực tiễn, có tính thuyết phục, góp phần củng cố và bảo vệ đời sống tinh thần của xã hội.

Nhận xét