Luận bàn về bản chất của quan điểm đòi “dân sự hóa” Quân đội



1. Quan điểm trên thể hiện sự áp đặt luật pháp tư sản vào nước ta
Họ đã lấy luật pháp nhà nước tư sản làm “thước đo”, “tiêu chí” pháp lý cho mọi nhà nước, chế độ xã hội. Đó là thứ “triết lý” về chế độ “dân sự quản lý quân sự của nhà nước tư sản”, theo Khoản 8, Điều I, Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ở đó, không có điều luật nào dành cho các nhánh hành pháp và tư pháp quyền ban hành luật pháp đối với việc quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng. Đó là sự vay mượn triết lý luật pháp về “chia tách” quyền lực quân sự (một dạng quyền hành pháp) với quyền lập pháp và tư pháp, bằng trích dẫn Khoản 1, Điều II quy định: “Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống Hoa Kỳ”; Khoản 2, Điều II quy định: “Tổng thống sẽ là Tổng Tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ và của các lực lượng dự bị ở một số bang”. Còn những người có quyền ban hành pháp luật, thì họ dựa vào Khoản 6, Điều I quy định: “Trong thời gian được bầu làm Thượng nghị sĩ hoặc Hạ nghị sĩ, không một ai sẽ được bổ nhiệm vào một chức vụ dân sự trong chính quyền Hòa Kỳ. Trong thời gian đó,... không một ai đang đảm nhiệm một chức vụ dân sự nào trong chính quyền Hoa Kỳ được bầu vào Quốc hội”.
Đó cũng là sự vin mượn tinh thần pháp lý quân sự tư sản: quá trình bổ nhiệm quan chức quân sự, chỉ đi một hướng từ dân sự sang quân sự mà không có chiều ngược lại; vào Chỉ thị 1344.10 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, quy định thành viên quân đội không thể “Là ứng cử viên hay nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong bộ máy dân sự”. Năm 2008, luật pháp của Hoa Kỳ quy định, người rời khỏi quân đội ít nhất 7 năm mới được làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Họ cũng dựa vào Điều lệ Nữ Hoàng (Vương quốc Anh), quy định: Nghiêm cấm các thành viên quân đội nắm giữ các vị trí hoạt động tích cực trong các tổ chức chính trị; đồng thời, hạn chế chặt chẽ việc bổ nhiệm vào các vị trí này trong và sau thời gian quân ngũ”, v.v.
Tuy nhiên, điều đã được nhân loại thừa nhận là: luật pháp của một chế độ nhà nước phải do ý chí, nguyện vọng của nhân dân (chủ thể quyền lực của nhà nước đó) quyết định và chỉ có giá trị trong phạm vi quốc gia đó. Do vậy, việc lấy luật pháp của nước này áp đặt cho nước khác là hoàn toàn phi lý. Không thể dùng pháp luật của nhà nước tư sản soi chiếu sang pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, hai loại nhà nước khác nhau về bản chất. Cũng giống như không thể áp đặt luật pháp của Việt Nam lên nhà nước tư sản. Như vậy, quan điểm “dân sự hóa” Quân đội ở Việt Nam là không phù hợp.
2. Bản chất “dân sự hóa” quân đội ở các nước tư sản
Dựa trên “học thuyết phân quyền tư sản”, những người có quyền lập pháp ở các nước tư sản đã ban hành vô số điều luật thiết tưởng sẽ chia tách được quyền lực của ba nhóm lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với việc quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng. Ở đó, người ta “thực sự” tin rằng, nhờ chế định “dân sự quản lý quân sự” (dân quản quân) đã được ghi tạc, ban hành trong luật pháp thì “chắc chắn” việc của quân đội tất yếu là việc của phái dân sự thực hiện, chứ “dứt khoát” không phải là việc của đảng phái nào, phái quân sự nào! Tuy nhiên, trái ngược với những tư tưởng “tam quyền phân lập”, thực tiễn đời sống pháp luật tư sản cho thấy một nghịch lý với hoài niệm “tốt đẹp” về nó. Muôn vàn ví dụ về quản lý nhà nước đối với quốc phòng của Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới cho thấy rõ điều này. Trên thực tế, dù luật pháp của Hoa Kỳ có chặt chẽ đến đâu thì các chính đảng vẫn can thiệp cả vào lập pháp, hành pháp và tư pháp đối với việc quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng. Hoa Kỳ đã trải qua 45 đời tổng thống, chỉ có tổng thống đầu tiên là G. Washington không thuộc đảng phái nào; còn 44 tổng thống khác đều là người đứng đầu hay đại diện cho các đảng phái khác nhau. Hầu hết các Tổng thống Hoa Kỳ đều nhất quán thực thi đường lối của đảng đã cử mình làm đại diện tranh cử. Ví dụ như, trong quá trình tranh cử, ông Đô-nan Trăm (ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa) tuyên bố sẽ rút quân đội khỏi Trung Đông nếu trúng cử. Và giờ đây khi là tổng thống, Ông đã thực thi đường lối quân sự đó. Như vậy, tư tưởng, đường lối nhất quán của một chính đảng và một tổng thống đắc cử đã thực thi. Do đó, không có cái gọi là “dân quản quân”, mà thực chất là “đảng quản quân”.
Một vài ví dụ khác, năm 1950, Tổng thống Mỹ Truman chọn Thống tướng Lục quân G. Marshall mới nghỉ hưu được hơn 5 năm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong khi Luật An ninh quốc gia Mỹ năm 1947 quy định: “Bộ trưởng phải được chỉ định từ giới dân sự. Đối với cựu quân nhân Mỹ, họ chỉ có thể được đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau 10 năm kể từ khi họ giải ngũ”. Mới đây, ông J. Mattis, Đại tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ, mới nghỉ hưu năm 2013 vẫn được Tổng thống Đô-nan Trăm đề cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng viện phê chuẩn ngày 20-01-2017, trong khi luật pháp Hoa Kỳ năm 2008 quy định: “người rời khỏi quân đội ít nhất 7 năm mới được làm bộ trưởng quốc phòng” và “quá trình bổ nhiệm quan chức quân sự, chỉ đi một hướng từ dân sự sang quân sự, không có chiều ngược lại”. Điều trên cho thấy nguyên tắc “dân quản quân” đã không được thực hiện triệt để.
Nhiều nước trên thế giới, như: Nga, U-crai-na, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia,… Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thường là quân nhân. Ở Nga, đến năm 2001 mới có ông S. B. I-va-nốp là người dân sự đầu tiên làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng đến năm 2012, Tổng thống V. Putin sử dụng lại người nhà binh, bổ nhiệm Đại tướng S. Sôigu làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Quyết định đó được các chuyên gia quân sự đánh giá cao, cho rằng, người đứng đầu quân đội phải nắm rõ việc quân sự, phải có uy với cấp dưới, khi cần quản lý nhà nước đã có cố vấn, thư ký hỗ trợ; nếu người dân sự làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì sẽ khó thể hiện tính quyết đoán, nhất là giải quyết những vấn đề đột xuất, đòi hỏi quyết đoán nhanh trong điều kiện khó khăn, căng thẳng.
Có thể thấy, bản chất chế định pháp lý người đứng đầu quân đội (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) ở Mỹ và một số quốc gia khác không phải là quân nhân, mà là dân sự, đó không có nghĩa là “dân sự hóa” quân đội mà là sử dụng con người dân sự cụ thể để quản lý công việc quân sự. Tuy nhiên, chế định này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Vì vậy, quan điểm đòi “dân sự hóa” Quân đội ở Việt Nam, cho rằng “Quân đội chỉ phục tùng Hiến pháp, không phục tùng luật Đảng” chỉ là sự thiếu hiểu biết về tri thức pháp lý và quản lý nhà nước về quốc phòng của một số người mà thôi.
3. Thực chất mục đích của quan điểm đòi “dân sự hóa” Quân đội là kết hợp “diễn biến hòa bình” với thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về quân sự, quốc phòng ở Việt Nam
Với việc đưa ra quan điểm đòi “dân sự hóa” Quân đội, một số người đã đánh tráo khái niệm “dân sự quản lý quân sự” với “dân sự hóa” Quân đội; họ đánh đồng việc dân sự quản lý quân sự với biến việc của quân sự thành việc của dân sự, làm cho người khác hiểu sai về bản chất vấn đề.
Mặc dù chế định “dân sự quản lý quân sự” ở các nước tư sản không thực hiện được (như đã đề cập ở trên), song những người đưa ra quan điểm “dân sự hóa” Quân đội không bao giờ đề cập tới sự thật này. Họ ra sức ca ngợi và cổ súy cho pháp lý và đời sống luật pháp tư sản theo hướng cái gì cũng “tốt đẹp”, “thiên đường”; làm cho người ta tưởng việc “dân sự hóa” quân đội của nhà nước tư sản là tốt đẹp, dễ làm, nhà nước xã hội chủ nghĩa cứ theo thế mà làm. Đây là thủ đoạn chính trị tinh vi, kết hợp giữa “diễn biến hóa bình” với thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về quân sự, quốc phòng ở Việt Nam. Thực chất mục đích của quan điểm cổ vũ “dân sự hóa” Quân đội theo hướng pháp lý “dân sự quản lý quân sự” của nhà nước tư sản là nhằm tác động, thay đổi đường lối, cơ chế Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên tắc hoạt động quốc phòng là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, mục đích chính trị cuối cùng của quan điểm cổ súy “dân sự hóa” Quân đội, không phải cái gì khác hơn là nhằm loại bỏ quyền lãnh đạo Quân đội và hoạt động quốc phòng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước hiến định. Đây là một âm mưu, thủ đoạn nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch - một thủ đoạn, âm mưu tinh vi, xảo quyệt, từ đánh tráo khái niệm, đến tiêm nhiễm, thẩm thấu tư tưởng, chuyển hóa cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và hoạt động quốc phòng, cuối cùng là kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về quân sự, quốc phòng ở Việt Nam. Bởi vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ mưu đồ của họ; cảnh giác, đề phòng, ngăn ngừa, đấu tranh bác bỏ tư tưởng, quan điểm sai trái này.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN VĂN QUANG, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

Nhận xét