“BIÊN PHÒNG HẢO VỊ TRÙ PHƯƠNG LƯỢC” - KẾ SÁCH ĐẶC SẮC LO GIỮ NƯỚC TỪ KHI NƯỚC CHƯA NGUY



Lo giữ nước từ khi nước chưa nguy là phương châm nổi bật, cốt yếu, xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong đó, “Biên phòng hảo vị trù phương lược” là tư tưởng đặc sắc, bài học quý về bảo vệ biên cương, giữ yên bờ cõi.
Mùa Xuân năm Nhâm Tý (1432), sau khi dẹp xong cuộc nổi loạn của Đèo Cát Hãn - tù trưởng Mường Lễ, châu Ninh Viễn (nay là tỉnh Lai Châu) cấu kết với Kha Lại (người Ai Lao) làm phản ở biên giới phía Tây Bắc, trên đường hồi Kinh, vua Lê Thái Tổ đã sáng tác hai bài thơ. Một bài được khắc trên vách núi đá tỉnh Lai Châu, một bài khắc trên vách núi đá tỉnh Hòa Bình; trong đó, bài thơ lưu lại tại Hòa Bình có câu: “Biên phòng hảo vị trù phương lược - Xã tắc ưng tu kế cửu an”1, dịch nghĩa là: Biên phòng phải lo sẵn phương lược - Giữ nước cần tính kế lâu dài. Đây là lời huấn thị có giá trị sâu sắc trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của vua Lê Thái Tổ trong việc định ra đường lối lãnh đạo toàn dân thực hiện sự nghiệp giữ nước nói chung, kế sách bảo vệ an ninh biên giới quốc gia nói riêng.
Nhìn lại tiến trình lịch sử dân tộc ta cho thấy, ngay từ khi thành lập nhà nước Văn Lang, cũng như trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Tổ tiên ta luôn quan niệm: biên cương là “phên giậu” của Tổ quốc, sự bình yên hay biến loạn nơi biên giới đều liên quan đến sự an nguy của đất nước, nên đã hết sức coi trọng việc xây dựng, bảo vệ biên giới, tập trung vào những khu vực, địa bàn xung yếu. Đặc biệt, các triều đại phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam, khi trị vì đất nước, đều hết sức chú trọng hoạch định đường lối xây dựng các vùng đất tiếp giáp các nước lân bang vững mạnh, gắn kết giữa miền xuôi với miền ngược, nhằm giữ vững ổn định khu vực biên giới, phát huy sức mạnh của lực lượng tại chỗ, nhất là các “thổ binh”, “dân binh”,… bảo vệ các “hương, lộ, phủ, châu, trấn” vùng biên cương Tổ quốc. Ở mỗi triều đại, tuy có sự khác biệt nhất định về sách lược trong việc quản lý, điều hành đất nước, song tựu trung, phương lược biên phòng xuyên suốt chiều dài lịch sử giữ nước của Tổ tiên ta được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau.
Một là, thực hiện nhất quán kế sách “nhu viễn”, tạo “phên giậu” bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Xuất phát từ đặc điểm là quốc gia đa dân tộc, trong đó, khu vực biên giới là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các phong tục, tập quán đa dạng của địa phương. Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, Tổ tiên ta đã thực hiện nhất quán kế sách “nhu viễn”, nghĩa là sử dụng chính sách mềm dẻo với người dân ở xa Kinh Thành, nhất là các tộc người thiểu số. Theo đó, các triều đại phong kiến sau khi nắm quyền cai trị, thường giao các vùng đất có người dân tộc thiểu số sinh sống cho thổ tù, châu mục địa phương cai quản. Quan hệ giữa nhà vua và thủ lĩnh của các dân tộc thiểu số không phải là quan hệ thiên tử và chư hầu, mà thực chất là mối quan hệ trên dưới, theo hệ thống dọc của bộ máy nhà nước thống nhất. Mối quan hệ này thường xuyên được triều đình chăm lo củng cố bằng nhiều chính sách tích cực. Trong đó, cưới gả công chúa cho các thổ tù, châu mục địa phương là một trong những kế sách đặc sắc, nhằm tạo mối quan hệ hôn nhân gia đình, kết tình thâm giao dòng tộc gắn bó mật thiết (phò mã - hoàng đế). Kế sách quản lý mềm dẻo nêu trên của nhà nước quân chủ có tác dụng rất lớn trong việc gìn giữ an ninh, bảo vệ lãnh thổ quốc gia, dân tộc trong các triều đại. Chỉ tính riêng triều đại nhà Lý, các đời vua trị vì đất nước đã cưới gả 09 công chúa cho châu mục các châu. Thực tiễn cho thấy, để cảm ơn “mưa móc” của vua cha, những phò mã thời Lý đều làm tốt cả việc nhà, việc nước. Điển hình như, cha con Phò mã Thân Thiệu Thái, Thân Đạo Nguyên đã quản lý, xây dựng vùng đất biên cương thành “phên giậu”, bảo vệ vững chắc địa bàn xung yếu biên giới Lạng Sơn. Các châu mục, tù trưởng: Nùng Tôn Đản, Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An, Lý Kế Nguyên,… còn có những đóng góp tích cực, huy động quân dân các dân tộc thiểu số chung sức cùng triều đình đánh giặc Tống (năm 1706). Điều này cho thấy, mối quan hệ giữa các dân tộc sống trên quốc gia Đại Việt là mối quan hệ đoàn kết và bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa dân tộc thống trị và dân tộc bị trị, giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số, mà chỉ có sự thống nhất của một khối dân cư bao gồm nhiều dân tộc đang cần phải chung lưng, đấu cật cùng nhau đấu tranh chống giặc ngoại xâm để tồn tại và phát triển. Và một khi tinh thần đoàn kết ấy được phát triển, kết thành một khối vững chắc thì nó sẽ trở thành một sức mạnh vật chất phi thường trong sự nghiệp bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, vẹn toàn lãnh thổ của Tổ quốc.
Hai là, vận dụng kế sách đối ngoại khéo léo với các nước lân bang, ngăn ngừa chiến tranh, kiến tạo hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam là quốc gia có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng - nơi có nguồn tài nguyên dồi dào; “là một nơi đô hội lớn ở Phương Nam, ruộng cấy lúa tốt, đất trồng dâu tốt, núi sẵn vàng bạc, biển sẵn châu ngọc, người ở đâu đến buôn bán cũng làm giàu được cả”2. Vì vậy, từ lâu, các triều đại phong kiến phương Bắc luôn nhòm ngó, tìm cách xâm chiếm nước ta, nhằm đặt ra các quận, huyện để cai trị, “lúc chưa lấy được thì nghĩ cách để lấy, lúc đã lấy được rồi thì không muốn bỏ ra”3, v.v. Trên thực tế, mặc dù các nước phương Bắc rất lớn mạnh, có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn ta nhiều lần, lại luôn ngự trị tư tưởng lấn chiếm, mở rộng lãnh thổ, nhưng chúng ta vẫn kiên trì thi hành những chính sách đối ngoại hết sức linh hoạt, uyển chuyển, mềm dẻo, tránh gây binh đao, máu lửa. Thậm chí, khi buộc phải đứng lên chiến đấu chống xâm lược, chúng ta cũng nhanh chóng kết thúc chiến tranh, xây dựng nền hòa bình, duy trì mối quan hệ hữu hảo. Điều này được thể hiện rõ trong lịch sử các đời Tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Tây Sơn,… nhằm thực hiện mục đích “thái bình cho muôn dân”, nên cho dù phải hy sinh muôn vàn máu xương để giành và giữ nền độc lập, chúng ta vẫn làm. Nhưng đối với quân giặc, dù đánh thắng, ông cha ta vẫn sang cầu hòa, xin phong vương và triều cống đều đặn, cốt giữ hòa hiếu, hòa bình, tự chủ cho đất nước.
Phía Tây và phía Nam nước ta có chung đường biên giới với các nước Lão Qua (sử còn chép là Ai Lao), Chiêm Thành, Chân Lạp. Đây là các nước từng có quan hệ giao hảo với nước ta, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, dân tộc, song nhiều khi họ cũng cho quân quấy rối, cướp phá vùng biên giới. Đối với các nước này, chúng ta luôn thực thi các chính sách đối ngoại linh hoạt, khi thì quan tâm, an ủi, vỗ về, khi thì kiên quyết đánh dẹp. Điển hình là việc “đối nhân xử thế” với Chiêm Thành dưới triều đại nhà Trần. Tuy Chiêm Thành là “phiên thần” của Đại Việt, song để duy trì sự ổn định bền vững giữa hai nước, nhà Trần đã tổ chức “cuộc hôn nhân lịch sử” giữa công chúa Huyền Trân với chúa Chiêm Thành là Chế Mân. Thế nhưng, sau khi Chế Mân chết, Chế Chí kế vị và có nhiều hành động cho quân cướp phá vùng biên ải, sát hại dân lành, chống phá Đại Việt thì nhà Trần kiên quyết xuất binh tiến vào kinh đô Chà Bàn, bắt Chế Chí trị tội; đồng thời, phong Chế Đà A Bà Niêm (em Chế Chí) làm Á hầu và giao quyền giữ nước.
Như vậy, việc các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện những chính sách đối ngoại đúng đắn với từng đối tượng, phù hợp từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã thể hiện nghệ thuật đặc sắc, tài năng hoạch định phương lược biên phòng, giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ ba, hết sức chú trọng việc “định biên” và các chính sách duy trì an ninh biên giới. Để giữ vững sự ổn định khu vực biên giới, khẳng định chủ quyền quốc gia - dân tộc, cùng với những chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân ở các vùng biên cương, các triều đại phong kiến Việt Nam rất chú trọng việc phân định biên giới, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyền lực quản lý, điều hành đất nước. Điểm nổi bật trong việc hoạch định và duy trì an ninh khu vực biên giới là một số triều đại phong kiến Việt Nam đã luật hóa nhiệm vụ bảo vệ miền biên ải. Ngoài việc đưa bảo vệ an ninh biên giới quốc gia thành chiến lược cả trước mắt và lâu dài, các triều đại còn chủ động điều chỉnh thế trận phòng thủ biên giới bằng việc điều động lực lượng quân đội tinh nhuệ lên các miền biên giới trấn ải, kết hợp xây mới hoặc nâng cấp, củng cố hệ thống đồn, thành lũy, nhất là ở các ải quan trọng án ngữ những tuyến giao thông huyết mạch. Tiêu biểu là thời nhà Lý, triều đình đã hoạch định ra chiến lược gắn chặt vùng biên giới vào bản đồ Đại Việt, đưa cả vùng rừng núi, hải đảo, biên giới phía bắc Tổ quốc vào phạm vi quản lý của chính quyền. Những châu giữ vị trí quan trọng về kinh tế, quân sự, nhà Vua cử quan lại triều đình lên trực tiếp trấn ải hoặc kiêm nhiệm. Một số vùng đất khác thì giao cho tù trưởng là người địa phương đảm nhận. Quan lại, tù trưởng đều có nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân, xây dựng, củng cố phòng tuyến bảo vệ biên giới, chống địch xâm lấn, hoạt động gián điệp. Trong thời nhà Trần, triều đình lại tập trung xây dựng và củng cố vùng biên giới miền Đông Bắc và Tây Bắc. Ngoài việc duy trì chế độ tự quản, giao cho các tù trưởng địa phương giữ gìn trật tự an ninh một số vùng quy định từ thời nhà Lý, các vua Trần còn thường xuyên cử những quý tộc có tài năng và quan lại danh tiếng, am hiểu phong tục tập quán dân tộc thiểu số đem quân lên trấn trị các miền biên giới. Khi xảy ra bạo loạn ở miền biên ải, nhà Vua đích thân đi dẹp loạn và đưa ra những chính sách khoa học, phù hợp, bảo đảm trật tự, an ninh biên giới. Những hành động vi phạm và quấy rối biên giới đều bị đẩy lùi một cách kiên quyết, kịp thời bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao khéo léo với các biện pháp quân sự cứng rắn.
Như vậy, có thể thấy, hơn 600 năm đã trôi qua, lời huấn thị sâu sắc của vua Lê Thái Tổ: “Biên phòng hảo vị trù phương lược” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, đối tác, đối tượng đan xen, chuyển hóa mau lẹ, khó lường, vấn đề này càng có ý nghĩa, nhất là trước những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tổ chức quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, bảo đảm cho khu vực biên giới luôn giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, xây dựng đường biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, thiết thực góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Ảnh minh họa hoàng đế Lê Thánh Tông

Nhận xét