PHẢI CHĂNG HỒ CHÍ MINH ĐỀ CAO ĐẠO ĐỨC LÀ DUY TÂM?



                                                                                   Kiên Trung
          Với mưu đồ đen tối hòng bôi nhọ uy tín, xóa bỏ những cống hiến to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã và đang có không ít quan điểm, luận thuyết cho rằng: “Hồ Chí Minh luôn đề cao thái quá, tuyệt đối hóa đạo đức nên rõ ràng là một nhà duy tâm chủ nghĩa”. Vì theo họ, đạo đức là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng của xã hội, là một trong những hình thái ý thức xã hội. Tức là mặt tinh thần của đời sống xã hội.
          Đúng là ở Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới vấn đề đạo đức nói chung, và việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nói riêng; coi đó là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Song, điều đó không phải một sự ngẫu nhiên hay là chủ quan duy ý chí của Người. Trái lại, cơ sở hiện thực và tính khoa học, cách mạng trong hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức đã khẳng định rõ điều này.
Với tư duy khoa học và tầm nhìn chiến lược cùng với sự mẫn cảm chính trị sâu sắc, Người đã tiên lượng, sớm chỉ ra và cảnh báo nguy cơ cán bộ, đảng viên dễ mắc phải “căn bệnh” suy thoái đạo đức, chủ nghĩa cá nhân. Bởi họ nắm trong tay “chìa khóa” của quyền lực, lại phải thường xuyên đối mặt với cạm bẫy và cám dỗ về lợi ích vật chất, nên đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý cơ bản đứng trước nguy cơ bị thoái hóa, biến chất về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống,… Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nguy cơ đó sẽ ngày càng tăng nếu mỗi cán bộ, đảng viên xem thường việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của bản thân. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, đảng viên về việc tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.
Mặt khác, đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nền "đạo đức cách mạng, là đạo đức mới chứa đựng trong đó tất cả tính khoa học và cách mạng của nó. Đạo đức đó không phải là đạo đức cũ - đạo đức thủ cựu. Đạo đức cũ, thủ cựu là đạo đức của giai cấp bóc lột, là công cụ tinh thần để thống trị, bóc lột nhân dân lao động và chỉ phục vụ cho lợi ích, danh vọng của giai cấp ấy. Ngược lại, ở Hồ Chí Minh đó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Đó là nền đạo đức mang bản chất của giai cấp công nhân, có tính dân tộc và nhân dân sâu sắc, có tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung.
Các chuẩn mực của nền đạo đức mới được xác lập trên lập trường của giai cấp công nhân, của Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với lợi ích của cách mạng, của dân tộc và của nhân loại mà thực chất là hướng tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, hướng tới phục vụ Đảng, phục vụ cách mạng và phụng sự Tổ quốc theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Bất cứ suy nghĩ, hành động nào nhằm những mục đích cao cả đó đều là chân thực nhất, thiện nhất và đẹp nhất. Mọi suy nghĩ, hành động đi ngược lại những mục đích cao cả đó đều là giả dối nhất, độc ác nhất và xấu xa nhất.
Bên cạnh đó, Người còn khẳng định, đạo đức không phải có sẵn trong con người, lại càng không phải do "Thượng đế" ban cho, mà là kết quả của quá trình đấu tranh, tu dưỡng thường xuyên, kiên trì và bền bỉ trong mọi mặt của đời sống xã hội. Nói cách khác, để có đạo đức theo Hồ Chí minh con người phải phấn đấu tu dưỡng sao cho phần thiện ngày càng nảy nở như hoa mùa xuân, còn phần ác ngày càng mất dần đi.
Đặc biệt, tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức trên thực tế đã trở thành một trong những phương châm chỉ đạo, kim chỉ nam và “cẩm nang” để Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng quán triệt, vận dụng vào quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nói chung, công tác xây dựng Đảng nói riêng; qua đó góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và đưa lại những thành công to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 30 năm qua.
Rõ ràng, những phân tích, lập luận với đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, những bằng chứng và chỉ dẫn đầy sức thuyết phục nói trên đã chứng tỏ các quan điểm, luận điệu của những kẻ cơ hội chính trị, thù địch đã, đang cố tình cho rằng “Hồ Chí Minh đề cao đạo đức là duy tâm” là một sự xuyên tạc, sai trái.

Nhận xét