NÊU CAO TINH THẦN TỈNH TÁO VÀ ĐỀ PHÒNG



                                                           Muối
Nhiều ngày qua, sau vụ việc người dân ở Bình Thuận có những hành đồng quá khích liên quan đến chủ trương thí điểm xây dựng các Đặc khu kinh tế của Chính Phủ, các thế lực thù địch chống phá nước ta liên tục đưa ra các khẩu hiệu cho rằng đó chính là hành động thỏa hiệp bán nước với một kế hoạch khôn khéo của Đảng Cộng sản Việt Nam; biến các khu đặc quyền thành các khu tự trị, một quốc gia trong một quốc gia. Với luận điểm đó, các thế lực thù địch kêu gọi đồng bào trong nước để giữ đất, giữ nước thì không còn con đường nào khác ngoài con đường phải “SỐNG MÁI” với cộng sản Việt Nam mà thôi.
Đồng bào hãy tỉnh táo, cảnh giác với những âm mưu xuyên tạc chủ trương của Đảng nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam đã bước ra từ hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc với khí thế hiên ngang của những người chiến thắng, trở thành chủ nhân thực sự của một đất nước tươi đẹp với nền văn hiến đậm chất nhân văn. Chúng ta thà chịu cảnh tạm thời đói nghèo, cam chịu khổ đau chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Hơn ai hết, những người Việt Nam chúng ta đều thẩm thấu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chính vì vậy, chắc chắn một điều rằng không có bất kỳ cá nhân yêu nước nào, tổ chức chân chính nào lại đang tâm bán nước, hại dân, chấp nhận là một phần lệ thuộc vào các quốc gia khác.
Thực tiễn từ lịch sử đến hiện tại đã chứng minh, lợi ích của dân tộc luôn gắn liền với lợi ích của nhân dân, lợi ích của Đảng luôn có sự thống nhất với lợi ích của toàn thể nhân dân. Do vậy, chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế cũng là một trong nhiều chủ trương nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước. Thực chất xây dựng các đặc khu kinh tế chính là nhằm biến nơi đó thành “hạt nhân” tạo ra khu vực tăng trưởng cao, lan tỏa đến các vùng khác, thu hút công nghệ để phát triển kinh tế vùng. Điều đó cho thấy, đây là một chủ trương sát đúng phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế trong tình hình mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng đến mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.
Thực tế cho thấy, xây dựng đặc khu kinh tế là một thực tiễn khách quan. Khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, mô hình đặc khu kinh tế ngày càng được các quốc gia quan tâm, cho đến năm 2016, đã có 4.500 đặc khu kinh tế được xây dựng tại 740 quốc gia. Một nghiên cứu năm 2008 ước tính khoảng 68 triệu người trên thế giới đang làm việc tại các khu này. đặc khu kinh tế có rất nhiều hình thức, từ “khu chế xuất” cơ bản, “khu vực mậu dịch tự do” đến “các thành phố đặc quyền” - khu vực thành thị thiết lập quy định riêng trong mọi lĩnh vực ảnh hưởng đến kinh doanh. Một số đặc khu kinh tế thu được nhiều thành công nhất là: Ghi dấu ấn ngoạn mục cho sự “tăng trưởng thần kỳ” của Trung Quốc vào những năm 80 thế kỷ 20 là Thâm Quyến - đặc khu kinh tế được xem như hình mẫu cho đột phá thể chế, kiến tạo sự thịnh vượng và biểu tượng của Trung Quốc thời kỳ mở cửa Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hiện nay có trên 50 đặc khu kinh tế; Hàn Quốc hiện có 8 đặc khu; Philippines bắt đầu phát triển các đặc khu kinh tế từ giữa thập niên 90; Ấn Độ  tính đến 2014, hơn 560 đặc khu đã được cấp phép đi vào hoạt động; Singapore với 9 khu thương mại tự do đã biến đất nước này thành “con rồng” Châu Á…
Những điều đó cho thấy, chủ trương xây dựng những đặc khu kinh tế của Chính Phủ Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn để chứng minh tính đúng đắn của nó. Chúng ta mở cửa, tạo điều kiện để phát triển kinh tế các đặc khu, song chúng ta kiên quyết không biến các đặc khu kinh tế thành các đặc khu đặc quyền, đặc lợi về chính trị, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiểm soát chặt chẽ hoạt động tại các đặc khu bằng việc xây dựng hành lang pháp lý để các đặc khu kinh tế vận hành theo đúng cơ chế, không thả lỏng, bỏ mặc cho địa phương quản lý. Do đó, luận điểm cho rằng xây dựng đặc khu kinh tế là xây dựng một nhà nước trong một nhà nước là luận điệu bịa đặt trắng trợn.
Để phát huy tối đa tiềm lực của một vùng kinh tế, bên cạnh sự táo bạo trong đổi mới thì những ưu tiên từ phía chính quyền là điều không thể phủ nhận. Bởi chỉ khi có chính sách ưu đãi, sự cởi mở, táo bạo trong đầu tư mới đủ thu hút nhà đầu tư chiến lược. Khi đó, vốn, nguồn lực, sự đổi mới sẽ là nhân tố “kích hoạt” những tiềm năng vốn có của một vùng đất.
Người dân Việt Nam hãy tỉnh táo, bản lĩnh và đề phòng trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Không nên để kẻ địch lợi dụng lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc để kích động chống đối vi phạm pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[1]. Vấn đề phát huy dân chủ luôn có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời với giữ gìn kỷ cương, phép nước và sự nghiêm minh của pháp luật. Những biểu hiện căng thẳng vừa qua cho thấy, bà con nhân dân bày tỏ quan điểm bằng cách đập phá tài sản là chưa sáng suốt, điều đó chỉ làm thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế cho các địa phương, cản trở quá trình xây dựng đất nước, hẳn rằng các thế lực thù địch đang mỉm cười đắc ý với những thiệt hại đó. Do vậy, những người chủ của đất nước đừng vì giận dỗi mà có những hành động quá khích tự phát để bôi xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, khoan dung, yêu chuộng hòa bình.






[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 7, tr. 434.

Nhận xét