MÔT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG HIỆN NAY



                                                                                   Tg: Vĩnh Chân

Hiện nay, các lực lượng thù địch đang ra sức chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, cấp độ khác nhau, đặc biệt là phương diện tư tưởng, lý luận. Thông qua nhiều phương thức, một trong những trọng tâm là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mà chúng ta cần đấu tranh bác bỏ.
Phương tiện thông tin đại chúng là những phương tiện để truyền bá thông tin đến quảng đại quần chúng. Đồng thời, phương tiện thông tin đại chúng còn là phương tiện giao tiếp, kết nối, trao đổi thông tin, tư tưởng… giữa các thành viên trong xã hội một cách thuận tiện, trực tuyến mà có thể không cần phải trực tiếp tiếp xúc. Trong đó, mạng viễn thông, internet trở thành công cụ tuyên truyền, quảng bá thông tin nói chung ngày càng trở nên phổ biến, quan trọng, tiện lợi… phục vụ cho các mục đích, ý đồ và lợi ích khác nhau.
Ngày nay có đủ các loại thông tin thật - giả, đúng - sai, tốt - xấu, có thể nói là “thượng vàng hạ cám”… đều có thể được truyền tải, lưu trữ, truy cập khai thác trên mạng internet. Lợi dụng vấn đề này, trên phương diện lý luận, các thế lực thù địch đã và đang thực hiện mưu đồ truyền bá những thông tin phản động, xấu độc được ngụy trang tinh vi, nhằm mục đích cối cùng là xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận đối với các thế lực thù địch trên phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, mỗi người cách mạng cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, cần tập trung làm rõ, phơi bày bản chất phản động, phản khoa học, dối trá và tính chất tinh vi, nguy hại, phức tạp trong các luận điểm chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng những luận cứ khoa học xác đáng và thuyết phục; công bố một cách công khai, rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân thấy rõ, từ đó họ không còn tin, nghe theo những luận điệu đó. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm và sự đồng thuận của cấp bộ đảng, chính quyền, cơ quan quản lý các cấp từ trung ương đến cơ sở và mỗi người dân về ĐTLL trên các phương tiện thông tin đại chúng trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chiến đấu và tính thuyết phục trong các công trình nghiên cứu ĐTLL trên phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng hệ thống luận cứ đấu tranh có cơ sở khoa học rõ ràng xung quanh những vấn đề lý luận cơ bản, trọng tâm mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá, xuyên tạc. Đồng thời, luôn bám sát thực tiễn, đúc kết, luận giải kịp thời những vấn đề bức xúc, phức tạp của thực tiễn đặt ra, góp phần thống nhất nhận thức, bác bỏ các luận điệu lừa dối, xuyên tạc, những nhận định thiếu căn cứ trong các luận thuyết của các thế lực thù địch. Chỉ có dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng, được truyền bá một cách sâu rộng, thì lý luận cách mạng mới tạo được niềm tin, chỗ đứng vững chắc trong quần chúng, góp phần quan trọng “miễn dịch” trước những luận điệu sai trái và thù địch.
Ba là, đa dạng hóa các loại hình, phương thức truyền bá, bảo đảm tính đại chúng, linh hoạt, hấp dẫn, dễ hiểu… của các nội dung thông tin lý luận cơ bản trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép nội dung truyền bá lý luận với các nội dung thông tin đa dạng khác trên các phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin tri thức khoa học, công nghệ, văn hóa, đời sống… của nhân dân. Bảo đảm vừa thỏa mãn nhu cầu khám phá của tuổi trẻ, vừa truyền tải được những thông tin lý luận cách mạng, lại góp phần phòng chống được việc tiếp cận các thông tin xấu độc, phản động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, cần nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực truyền thông, báo chí đi đôi với tăng cường lực lượng, phương tiện vật chất và công nghệ phục vụ cho công tác quản lý lĩnh vực này. Có biện pháp quản lý chặt chẽ mạng viễn thông, Internet, ngăn ngừa các trang web, blog độc hại kết hợp với tăng cường mở mới, đa dạng hóa các phương thức truyền thông đại chúng có nội dung đấu tranh tư tưởng, lý luận; ngăn chặn tận gốc nguồn tuyên truyền, phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời xử lý có hiệu quả các trang mạng có nội dung phản động.





Nhận xét