Làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc Luật An ninh mạng



Với sự ra đời và có hiệu lực của Luật An ninh mạng, Việt Nam đã có công cụ pháp lý chuẩn mực, vững chắc để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và quyền con người, quyền công dân, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Mọi luận điệu xuyên tạc Luật này cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Tỷ lệ biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng
Ngày 12-6-2018, với 423 phiếu thuận, Luật An ninh mạng (có 07 chương, 43 điều) đã được kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và được Chủ tịch nước công bố ngày 30-6-2018, có hiệu lực từ ngày 01-01-2019. Sự ra đời của Luật An ninh mạng có cơ sở lý luận, thực tiễn, pháp lý vững chắc, được dư luận trong và ngoài nước hết sức quan tâm, đồng tình, ủng hộ; coi đó là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo cho Nhà nước Việt Nam thực thi bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn. Thế nhưng, lợi dụng sự kiện này, núp dưới chiêu trò “yêu nước”, “tự do ngôn luận”, “phản biện”,… một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã dùng mọi thủ đoạn để phản bác, xuyên tạc Luật, gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự ngờ vực trong dư luận xã hội; tập trung kích động, lôi kéo tụ tập đông người, biểu tình trái phép, thậm chí có hành vi quá khích, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Mục đích cuối cùng của họ là biến biểu tình, gây rối thành bạo loạn chống đối chủ trương, đường lối của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ chính trị xã hội ở Việt Nam. Bởi lẽ, khi Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống, thì họ sẽ không thể tự tung, tự tác trên không gian mạng; mất đi một công cụ đắc lực để thực hiện mưu đồ đen tối chống phá cách mạng Việt Nam.
Thực chất lực lượng chống đối sự ra đời của Luật An ninh mạng là những tổ chức phản động, chống cộng cực đoan, phần tử cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước cấu kết chặt chẽ với nhau để chống phá. Về tổ chức, điển hình là: “Tổ chức Ân xá Quốc tế - AI”, “Tổ chức Phóng viên không biên giới - RSF”, “Ủy ban Bảo vệ ký giả”, “Ngôi nhà tự do”, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Ủy ban Cứu trợ thuyền nhân Việt Nam”, Việt Tân, “Hội nhà báo độc lập”, “Văn đoàn độc lập”, “Hội Anh em Dân chủ”, “Mạng lưới Blogger Việt Nam”, v.v. Về cá nhân, điển hình là một số cá nhân chống cộng cực đoan ở nước ngoài và số ít cá nhân ở trong nước suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hám danh, hám lợi, bị các tổ chức phản động mua chuộc, lôi kéo. Về luận điệu, chúng xuyên tạc rằng: Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng là “hết sức mơ hồ”, “trái với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”, gây “hậu quả tai hại cho tự do ngôn luận ở Việt Nam”, “cướp đi quyền sử dụng internet của người dân”, “tạo rào cản kinh doanh”, làm “hạn chế các quan hệ quốc tế, kiềm chế sự phát triển của Việt Nam” và rằng “không có quốc gia nào có luật này”, v.v. Từ đó, họ “hô hào” đòi Việt Nam “thu hồi luật mới khắc nghiệt này”. Về thủ đoạn và phương tiện, tài liệu xuyên tạc được họ thể hiện bằng các bài viết, truyền đơn, viết báo, tạo dựng video clip, blog,… rồi lén lút phát tán trong dân cư, hoặc qua kênh, như: BBC, RFA, VOA, RFI,… và các trang mạng xã hội, blog phản động,… để tập hợp lực lượng, kêu gọi “Bất tuân Luật An ninh mạng”. Đây là những thủ đoạn hết sức bỉ ổi.
Nhận diện và đề ra giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn nêu trên là vấn đề cấp thiết và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Để đạt hiệu quả cần tiến hành đồng bộ những nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Trước hết, các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết phải có Luật An ninh mạng. Đây là vấn đề rất quan trọng cần có sự vào cuộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các thiết chế văn hóa, cơ quan chức năng, báo chí, thông tin, truyền thông từ Trung ương đến cơ sở. Nội dung, hình thức tuyên truyền cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, tập trung đi thẳng vào sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản, ý nghĩa, tác dụng của Luật An ninh mạng và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Qua đó, làm cho người dân thấy rõ: “Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới”1 và ở Việt Nam: “An ninh, trật tự và an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp. Bảo vệ bí mật quốc gia còn nhiều yếu kém. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng còn nhiều bất cập”2, v.v. Việc Nhà nước ta xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là nhằm: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”3. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hành tốt phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, không tin, không nghe, không làm theo những luận điệu xuyên tạc, xúi giục của kẻ xấu.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, hoạt động trên không gian mạng đã bộc lộ những vấn đề rất nguy hại, nhất là việc lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, xuyên tạc, bôi nhọ,… vi phạm quyền con người, quyền của các tổ chức, cá nhân; truyền bá tư tưởng cực đoan, kích động bạo lực, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,… làm phương hại đến chủ quyền, an ninh của mỗi quốc gia, hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Bài học về cái gọi là “cách mạng màu” diễn ra ở Liên Xô, Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi,… nhất là những vụ gây mất trật tự, an toàn xã hội, phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân ở một số địa phương của Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy rõ hậu quả việc không gian mạng bị lợi dụng. Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 80 quốc gia, tổ chức, liên minh, như: Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Canada, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), NATO,… đã ban hành văn bản chính sách, văn bản pháp luật như luật, văn bản dưới luật về an ninh mạng. Việc Việt Nam xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là khách quan, cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm bảo vệ lợi ích của con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chủ quyền của quốc gia, loại trừ những mặt trái trong hoạt động trên không gian mạng. Giáo sư Vladimir Kolotov, Trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg (Liên bang Nga) nhận xét rằng: “Luật An ninh mạng mới được thông qua tại Việt Nam là rất cần thiết, đạo luật tương tự cũng được thông qua ở Nga và nhiều nước trên thế giới. Đạo luật này không hề vi phạm hay can thiệp tự do ngôn luận”.
Hai là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần bám sát cơ sở, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và kịp thời tham mưu với trên những chủ trương, giải pháp hoặc giải quyết những vướng mắc, bức xúc và tình huống xảy ra liên quan đến Luật An ninh mạng một cách hiệu quả; triệt tiêu những nguyên cớ mà thế lực thù địch thường lợi dụng để xuyên tạc, kích động, lôi kéo người dân có hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh thực hiện nghiêm Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt công tác dân vận và Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì phải luôn “gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu” về nội dung, mục đích, tác dụng của Luật An ninh mạng; gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước để nhân dân noi theo. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng gian, bảo mật, kỷ luật phát ngôn, kiên quyết không để lộ, lọt thông tin; phát huy sức mạnh các nguồn lực xã hội, nhất là về công nghệ thông tin để ngăn chặn có hiệu quả những tác động tiêu cực, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, tung tin thất thiệt, phá hoại trên không gian mạng.
Ba là, phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách trực tiếp đấu tranh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Cấp ủy các cấp căn cứ quy định, hướng dẫn của trên, chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, nòng cốt là cán bộ, đảng viên, chuyên gia được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức toàn diện, chuyên sâu về công nghệ thông tin; có năng lực khai thác tư liệu, tài liệu, tổ chức đấu tranh, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác và trách nhiệm của mỗi thành viên; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, người đứng đầu và trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, điều kiện làm việc phù hợp. Các thành viên thuộc lực lượng này phải hoạt động theo quy chế, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội dung, ý nghĩa của Luật An ninh mạng; âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch; tích cực tham mưu với trên và có biện pháp nghiệp vụ trực tiếp, trực diện đấu tranh. Cùng với xây dựng nội dung đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, lực lượng chuyên trách cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sử dụng biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật chuyên ngành để phát hiện, ngăn chặn, bóc gỡ các trang mạng xã hội, blog có nội dung xấu độc, hành vi lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật,… trên không gian mạng từ sớm và thông báo với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật.
Việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Luật An ninh mạng là khách quan, cấp thiết, phù hợp với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều bình đẳng, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua, được Chủ tịch nước ký lệnh ban hành thì đạo luật đó phải được tôn trọng, thực thi. Vì thế, không thể tiếp tay cho các thế lực xấu lợi dụng cái gọi là “bất tuân dân sự” để phá hoại sự thượng tôn pháp luật bằng những thông tin vu vơ, không có cơ sở.
MINH QUÂN
_______
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 72.
2 - Sđd, tr. 261.
3 - Sđd, tr. 33-34.

Nhận xét