KIÊN QUYẾT CHỐNG TIÊU CỰC TRONG THI CỬ




Phạm Trung
Giáo dục và đào tạo có vai trò rất quan trọng, “...là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.[1]. Thế nhưng một vấn đề nhức nhối đang có nguy cơ phá hỏng “quốc sách hàng đầu” của Đảng ta đó là hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Tiêu cực trong thi cử là một vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục trong nhiều năm qua. Vấn đề nhức nhối này vừa được thổi bùng lên đỉnh điểm bởi những tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018 ở Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La, v.v.. Tiêu cực trong thi cử đã, đang và sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội.


Tiêu cực trong thi cử làm mất động lực của người học. Người học không cần phải “dùi mài kinh sử” mà chỉ cần tiêu cực thì sẽ có kết quả như ý muốn. Tiêu cực trong thi cử làm cho người dạy, nhà quản lý giáo dục dần suy thoái đạo đức, mất động lực tự hoàn thiện, nâng cao phẩm chất, năng lực giảng dạy, nghiên cứu, quản lý giáo dục. Tiêu cực trong thi cử làm “thương mại hóa” quá trình dạy và học, suy giảm trầm trọng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và tất nhiên là nhân tài sẽ bị “thui chột”. “Quốc sách hàng đầu” mà không thực hiện được thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi lên chủ nghĩa xã hội của cả nước sẽ không thể thành công.
Có nhiều biểu hiện tiêu cực trong thi cử, từ phía người học, từ phía người dạy và cán bộ quản lý. Biểu hiện tiêu cực từ phía người học: trao đổi, hỏi bài nhau trong thi, kiểm tra; xin, mua điểm; thi hộ; v.v.. Biểu hiện tiêu cực từ phía người dạy: Dạy một đằng, thi một nẻo (đánh đố người học); coi thi thiếu nghiêm túc (để cho người học trao đổi bài, sử dụng tài liệu, gợi ý, nhắc bài cho người học, v.v.); chấm thi thiếu khách quan. Tiêu cực từ phía cán bộ quản lý giáo dục: Biên soạn quy chế, quy định, quy trình thiếu chặt chẽ, khoa học, thực tiễn; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả thi, kiểm tra; tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực từ phía người học và người dạy; v.v..
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu cực trong thi cử, đó là do nhận thức, thái độ, động cơ của người học, người dạy và cán bộ quản lý giáo dục; nội dung, hình thức, phương pháp dạy, học, đánh giá kết quả học tập chưa phù hợp; sự lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra, giám sát của người đứng đầu, cơ quan chức năng đối với hình thức thi, kiểm tra còn chưa sâu sát, hiệu quả, xử lý chưa kiên quyết, kịp thời, chưa có tính răn đe đối với các biểu hiện tiêu cực trong thi cử; sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Để khắc phục hiện tượng tiêu cực trong thi cử hiện nay cần phải tiến hành đồng bộ một số giải pháp cơ bản: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, động cơ, thái độ, trách nhiệm của người dạy, người học và cán bộ quản lý giáo dục đối với hình thức thi, kiểm tra, hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện quy chế, quy định, quy trình, nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng đánh giá chính xác, khách quan, phân loại được phẩm chất và năng lực của người học; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc những biểu hiện tiêu cực trong thi cử; quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu trước những biểu hiện tiêu cực trong thi cử thuộc phạm vi quản lý; ứng dụng có hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả người học.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội 2016, tr.114.

Nhận xét