KHÔNG BAO GIỜ CÓ QUÂN ĐỘI ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ




      NIỀM TIN
Hiện nay, trên các trang mạng xã hội các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và thậm chí một số kẻ “theo đóm ăn tàn”, tung hô luận điệu cũ rích: quân đội là lực lượng “siêu giai cấp”, “trung lập về chính trị” … Song, tiếp cận cả về phương diện lý luận và thực tiễn lịch sử cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam, chúng tôi khẳng định rằng: không bao giờ có quân đội đứng ngoài chính trị như luận điệu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hiện nay, ở những lý do sau:
Thứ nhất, luận điệu quân đội đứng ngoài chính trị được hình thành dựa trên quan điểm tư sản sai trái, phản khoa học về bản chất quân đội. Giai cấp tư sản tìm mọi cách xuyên tạc bản chất quân đội, gán cho quân đội là lực lượng “siêu giai cấp”, “trung lập về chính trị” bảo vệ lợi ích của mọi tầng lớp xã hội, nhằm che giấu sự thật là quân đội các nhà nước bóc lột chỉ bảo vệ lợi ích của các giai cấp bóc lột.
Luận điệu quân đội đứng ngoài chính trị được xuất hiện đầu tiên trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga (1905 - 1907). Khi đó, để đối phó với phong trào cách mạng của đại đa số nhân dân lao động Nga với Chính phủ Nga hoàng, không để lực lượng vũ trang, quân đội ngả theo cách mạng, bọn tôi tớ của nền chuyên chế Nga hoàng đã ra sức tuyên truyền về tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho lực lượng vũ trang, quân đội đứng ngoài chính trị. Sau đó, đến những năm 80 thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội lại đưa ra luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội với nội dung cơ bản là: quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước, được tổ chức ra để bảo vệ lợi ích quốc gia, chỉ tuân theo pháp luật; quân đội trung lập về chính trị, không có quân đội xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa; quân đội đứng ngoài những biến động chính trị - xã hội, đứng ngoài cuộc đấu tranh của các đảng phái chính trị giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực nhà nước; quân đội không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái chính trị nào. Nhưng trên thực tế thì không có quân đội tư sản nào đứng ngoài chính trị cả. Kể cả quân đội Liên Xô tuyên bố trung lập khi sảy ra chính biến 19/8/1991 cũng chỉ là sự lừa bịp dư luận mà thôi. Bởi, trên thực tế quân đội Liên Xô đã “biến chất” trượt sang giai cấp tư sản, bảo vệ bọn phản động, cơ hội chính trị. Bằng chứng là cái quân đội tuyên bố trung lập ấy đã thừa lệnh của Tổng thống Nga lúc bấy giờ nã đạn đại bác vào Nhà Quốc hội buộc những người cộng sản trung kiên phải rời khỏi đó.
   Thứ hai, theo quan điểm của các nhà kinh điển đã khẳng định quân đội là một hiện tượng lịch sử ra đời trong giai đoạn phát triển nhất định của loài người khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự đối kháng giai cấp trong xã hội; bản chất của giai cấp quân đội phụ thuộc vào bản chất giai cấp giai cấp của nhà nước đã tổ chức ra quân đội đó. Trong xã hội có giai cấp, quân đội chưa bao giờ và không bao giờ đứng ngoài đời sống chính trị của xã hội. V. I. Lênin đã chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”[1]. Xét đến cùng, bản chất chính trị - xã hội của quân đội được quyết định bởi quân đội đó do giai cấp, nhà nước nào tổ chức ra, nằm trong tay ai và phục vụ trước hết cho lợi ích của giai cấp, nhà nước nào trong xã hội, do đó, nó luôn tham gia vào mọi hoạt động chính trị của nhà nước.
Thứ ba, nhân loại đã chứng minh rất rõ vấn đề này. Những quân đội đầu tiên xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp, La Mã cổ đại… đã luôn đóng vai trò là công cụ bạo lực hữu hiệu giúp giai cấp chủ nô hiện thực hóa mọi mục đích chính trị, như: bảo vệ nhà nước chiếm hữu nô lệ, trấn áp phong trào đấu tranh của nô lệ, tiến hành chiến tranh xâm lược mở rộng phạm vi lãnh thổ… Trải qua thời kỳ trung đại, cận đại và hiện đại ngày nay, vấn đề này vẫn là một quy luật không hề thay đổi. Vì vậy, dù có ai thừa nhận hay không thừa nhận, thì quân đội vẫn chịu sự chi phối bởi quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước đã tổ chức ra nó. Tùy theo tính chất phản động, hay tiến bộ, cách mạng của giai cấp ấy mà quân đội sẽ thể hiện bản chất của mình.
Thứ  tư, thực tiễn lịch sử hơn 73 năm xây dựng, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định một vấn đề mang tính quy luật: sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản, quyết định sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng lập, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng kiểu mới, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Nhờ đó, Quân đội đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, trở thành đội quân “bách chiến, bách thắng”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta đã cùng cả dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, mang đến cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Vậy thì, những người đưa ra luận điệu này nhằm mục đích gì? Không khó khăn lắm cũng có thể biết luận điệu “quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị” chỉ là sự biến tướng của âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhằm “phi chính trị hóa” Là một ngón đòn thâm hiểm của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị hiện nay. Chúng hòng  phi chính trị hóa Quân đội nhân dân Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp của quân đội, tiến tới làm biến chất quân đội, trên cơ sở đó tạo tiền đề cho việc xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như theo kiểu ở Đông Âu và Liên Xô trước đây.


[1] V. I .Lênin toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ Mátxcova, 1979, tr. 134-135.

Nhận xét