Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền


Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nói chung và văn hóa pháp quyền là một di sản vô giá, là những giá trị vĩnh cửu mà Người để lại cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền có ý nghĩa thiết thực đối với việc vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền
Văn hóa kết tinh ở những giá trị mà con người tạo ra được biểu hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thuật ngữ “văn hóa pháp quyền” càng được sử dụng nhiều hơn. Văn hóa pháp quyền là toàn bộ những giá trị mà con người tạo ra, được biểu hiện và thẩm thấu trong hoạt động xây dựng nhà nước pháp quyền. Nói đến văn hóa pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nói đến cái hay, cái đẹp, các giá trị bền vững trong hoạt động xây dựng, tổ chức quyền lực nhà nước; tổ chức, điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng thuật ngữ “chế độ pháp trị”. Trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Người khẳng định: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(1). Đây là tư tưởng đặc sắc về văn hóa pháp quyền, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới - nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và là một tư tưởng nhất quán, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại và có giá trị lâu bền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1. Văn hóa pháp quyền được biểu hiện ở việc xây dựng một nhà nước kiểu mới, trong đó tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Đây là đặc trưng cơ bản nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền. Bởi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước kiểu mới chính là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ. Dân chủ vừa là bản chất của nhà nước pháp quyền vừa là điều kiện, tiền đề của chế độ nhà nước. Vì vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa pháp quyền gắn liền với xây dựng và thực thi một nền dân chủ, đảm bảo quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Người luôn nhấn mạnh “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(2); “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”(3). Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước. Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền cho bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phụng sự lợi ích của nhân dân. Bộ máy nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của nhân dân. “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(4).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền, quyền lực của nhân dân không chỉ được biểu hiện ở một nhà nước của dân, không chỉ do dân lập ra thông qua bầu cử dân chủ mà còn là nhà nước chịu sự kiểm tra, giám sát, định đoạt của nhân dân. Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ... Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”(5); “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”(6). Người nhắc nhở: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”(7). Người còn viết: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(8). Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền được biểu hiện nhất quán và tập trung nhất ở một nhà nước tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, một nhà nước vì dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.
2. Văn hóa pháp quyền được thể hiện khi nhà nước và pháp luật luôn hướng đến các giá trị nhân văn và bảo vệ quyền con người, lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình; có sự thống nhất giữa đức trị và pháp trị trong tổ chức hoạt động của nhà nước và quản lý nhà nước
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền, quyền con người là tiêu chí đánh giá tính pháp quyền của chế độ nhà nước. Mọi hoạt động của nhà nước đều phải xuất phát từ sự tôn trọng và đảm bảo quyền con người, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình theo đúng các quy định của luật pháp. Pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng văn hóa pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở các quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp mà còn thấm đượm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì thế, pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh là pháp quyền đặc biệt, pháp quyền nhân nghĩa - một thứ nhân nghĩa có nội hàm mang đậm tính dân tộc và dân chủ sâu sắc.
Trên thế giới, từ cổ chí kim, từ đông sang tây tồn tại hai phương thức trị nước chủ yếu: đức trị và pháp trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đề cập đến chế độ pháp trị khi cho rằng: Tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân. Trong thực tế, Người đã kết hợp chặt chẽ việc quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật với việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh công dân, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ cả pháp luật và đạo đức đều dùng để điều chỉnh hành vi của con người, nâng con người lên, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Pháp luật góp phần hoàn thiện nhân cách làm người, còn đạo đức làm cho người ta thực hiện luật pháp một cách tự giác. Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là cơ sở để xây dựng, thực hiện pháp luật. Nền pháp quyền của ta là một nền pháp quyền hợp đạo đức, có nhân tính. Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải: nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ.
Sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở quan niệm xử lý các hành vi phạm pháp, nguyên tắc “có lý”, “có tình” chi phối mọi hành vi ứng xử của con người, tôn trọng cái lý, đề cao cái tình, tùy từng trường hợp, tình huống cụ thể mà nhấn mạnh mặt này hay mặt khác. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật phải kịp thời, nghiêm minh. Pháp luật không loại trừ một ai, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, cái ác, khuyến khích, nâng đỡ, phát huy cái tốt, cái thiện vốn có trong mỗi con người, chứ không đơn thuần trừng phạt, răn đe. Trong thực thi pháp luật phải bảo đảm tính hài hòa giữa các mặt tưởng chừng như đối lập nhau. Phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: không xử phạt là không đúng; song, cái gì cũng trừng phạt cả cũng là không đúng, nên phải tránh lạm dụng pháp luật. Tính nghiêm minh và hiệu lực của luật pháp không chỉ phụ thuộc vào sự đúng đắn của pháp luật mà trong quan hệ thực tế còn phụ thuộc vào cái tâm của chính người đại diện cho pháp luật. Quan điểm trên trở thành nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền.
3. Văn hóa pháp quyền được thể hiện khi khẳng định Hiến pháp và pháp luật là tối thượng, được thực thi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
Điểm đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá pháp quyền khi Người cho rằng, yếu tố cốt lõi, bản chất nhất của nhà nước pháp quyền là pháp luật giữ vị trí tối cao, ngự trị trong toàn xã hội. Đây là vấn đề đã được Người nhận thức từ rất sớm và đề cập đến vai trò của chúng trong điều hành và quản lý xã hội. Năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc-xây đã có 4 điểm liên quan đến vấn đề pháp quyền. Sau này, trong “Việt Nam yêu cầu ca” có yêu cầu thứ bảy là: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. “Thần linh pháp quyền” là ý thức, tinh thần pháp luật phải chi phối, chỉ đạo mọi hành vi, hoạt động của bộ máy, cơ quan nhà nước; môi trường pháp lý phải bao trùm mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Trong nhà nước pháp quyền, Hiến pháp là sự thể hiện một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất ý chí và sự lựa chọn chính trị của nhân dân. Hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, có tính ổn định nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, các quyền tự do cơ bản và lợi ích chính đáng của công dân. Hiến pháp tạo sự an toàn pháp lý cao nhất cho công dân và xã hội cũng như cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Vì vậy, ngay trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, phức tạp của ngày đầu giành được chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”(9). Người đã đề nghị: “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v...”(10). Và “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà... Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(11). Đây chính là tuyên bố lập hiến của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và việc thành lập bộ máy nhà nước do dân cử bằng phổ thông đầu phiếu là sự kiện đầu tiên xuất hiện trong lịch sử của dân tộc ta.
Sau năm 1954, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều quy định trong Hiến pháp năm 1946 không còn phù hợp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương sửa đổi và ban hành Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1959. Trong tư duy Hồ Chí Minh, một khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì pháp luật, nhất là đạo luật "gốc" - Hiến pháp, cũng phải thay đổi để bảo đảm khả năng điều chỉnh hợp lý các quan hệ xã hội đã phát sinh và định hình. Ngoài hai bản Hiến pháp, từ năm 1945 đến 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo soạn thảo, ký quyết định công bố 16 đạo luật và 1.300 văn bản dưới luật. Khối lượng văn bản pháp luật đó luôn thể hiện rõ việc đề cao tính nhân đạo và nhân văn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của nhà nước mà nhân dân là chủ và do nhân dân làm chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Nhà nước ta cũng sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. Song pháp luật của ta đã có sự thay đổi về chất, mang bản chất của giai cấp công nhân, là một loại hình pháp luật kiểu mới, pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động.
4. Văn hóa pháp quyền được thể hiện khi quyền lực thống nhất, có sự phân công quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước nhằm thực thi quyền làm chủ của nhân dân
Một nét đặc sắc khác trong tư tưởng về văn hóa pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc khẳng định quyền lực là thống nhất, nhưng có sự phân công, kiểm tra, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo Người, trong nhà nước đó có nhiều cơ quan quyền lực nhà nước khác nhau, từ trung ương đến địa phương, nhưng các cơ quan quyền lực các cấp này chỉ là người thi hành mệnh lệnh, thực hiện ý chí của nhân dân, nghĩa là mọi quyền lực chính trị trong nhà nước ta đều là của nhân dân. Người viết: “Trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc”(12). Quan điểm mọi quyền lực của nhà nước ta đều thuộc về nhân dân đã khẳng định bản chất của nhà nước ta là nhà nước dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ được hiểu là mọi quyền lực của nhà nước là của nhân dân, từ nhân dân. Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân làm chủ.
Là người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm thấy được hậu quả của tình trạng lạm quyền cũng như tính tất yếu của việc kiểm soát quyền lực. Người thấy rõ nguy cơ quyền lực có thể làm tha hóa những kẻ nắm quyền. Hiến pháp năm 1946 được soạn thảo và ban hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không hoàn toàn theo một nguyên mẫu mô hình tổ chức bộ máy nhà nước nào mà áp dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản về phân công quyền lực ở khía cạnh kỹ thuật tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, trong đó bao hàm cả cơ chế "kiềm chế quyền lực". Cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước được Hiến pháp quy định khá rõ. Người từng nhiều lần phê phán rất nghiêm khắc tình trạng lạm dụng quyền lực của một số cán bộ, đảng viên và chỉ ra những căn bệnh hay lỗi lầm của Chính phủ, của những “ông quan” này là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, công thần, quan liêu, biến quyền lực của dân thành quyền lực của một số ít người. Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực. Công tác kiểm tra được Người ví như “ngọn đèn pha” vừa để giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn, vừa ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Người cho rằng phải kiên quyết trừng trị những kẻ lạm dụng quyền lực, lợi dụng quyền lực nhân dân trao cho rồi cậy quyền cậy thế ức hiếp dân chúng, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.
Quyền lực nhà nước có cội nguồn từ nhân dân, xuất phát từ nhân dân, nhân dân tạo lập nên bộ máy nhà nước và ủy quyền cho nhà nước thay mình thực hiện quyền lực. Nhưng để nhân dân giao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước được giao quyền mà không tiếm quyền dân và phải thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nhân dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân" và "nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ".
5. Văn hóa pháp quyền được biểu hiện ở một nhà nước vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; cán bộ, công chức nhà nước thật sự là công bộc, tận tụy phục vụ nhân dân
Một điều rất đáng chú ý trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa pháp quyền chính là việc xây dựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch, gọn nhẹ, có hiệu lực, thể hiện và thực hiện trên thực tế quyền lực của nhân dân (bằng đầy đủ các cơ chế, chính sách, luật pháp), chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; thực hiện dân chủ hóa, công khai hoá và minh bạch. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà nước trong sạch vững mạnh đối lập với suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, quan liêu, tham ô, tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, hách dịch, xa dân, cục bộ địa phương, vô cảm với những khó khăn và nỗi khổ của nhân dân... Do vậy, cần xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh để phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng sa sút, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên một cách có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(13).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ trực tiếp thực thi luật pháp phải thật sự công tâm và nghiêm minh. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “gương mẫu chấp hành pháp luật của nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia”(14). Cán bộ, đảng viên là người trực tiếp thực thi luật pháp, đại diện cụ thể cho “cán cân công lý”; vì thế, Người yêu cầu ở họ phải có phẩm chất đạo đức cần thiết: phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, phải gần dân, giúp dân, học dân, hiểu dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng, trong sạch. Người luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, thực sự là “công bộc” của nhân dân; chăm lo xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bản thân Người là tấm gương sáng nhất về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, lời nói đi đôi với việc làm và trở thành một đặc trưng rất quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá pháp quyền.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, những quan điểm về văn hóa pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận để nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo”(15); một nhà nước tất cả vì con người, luôn “chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”(16) hướng tới một xã hội dân chủ; một nhà nước mà pháp luật giữ vị trí tối cao trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và đời sống xã hội; bộ máy nhà nước hoạt động trên cơ sở pháp luật “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”(17); hệ thống pháp luật phải thường xuyên được hoàn thiện; nhà nước và công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ pháp lý; các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được bảo đảm thực hiện; nhà nước tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước quốc tế mà mình ký kết hoặc tham gia. “Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”(18), xử lý nghiêm minh kịp thời mọi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện và bảo vệ các quyền tự do dân chủ, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh và lợi ích hợp pháp của nhân dân, ngăn ngừa mọi sự tùy tiện lạm quyền từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng dân chủ cực đoan, vô kỷ luật, thiếu kỷ cương. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là cách thức cơ bản để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động nội lực của toàn thể nhân dân, của tất cả các thành phần kinh tế vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
ThS. Nguyễn Tùng Lâm - Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2011, tr.473.
(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 7, tr.434.
(3),(5) dân chủ,, Sđd, tập 9, tr.382, tr 383.
(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 12, tr.375.
(7) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 7, tr.434.
(8),13) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 5, tr.74-75, tr.122.
(4),(9),(10),(11) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 4, tr.64, tr.7, tr.7,tr.153..
(12) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 8, tr.262.
(14) Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 14, tr.242.
(15),(16),(17),(18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.52, tr.52, tr.52, tr.85.
tcnn.vn

Nhận xét