TRIẾT HỌC VÔ DỤNG HAY HỮU DỤNG


                                                                       Đan Tâm
Gần đây trong bài viết “Những hiểm họa khi cho con du học bên trời Tây” Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã chỉ ra những hiểm họa, cảnh báo các bậc cha mẹ khi cho con đi du học ở các nước phương Tây. Bài viết có nhiều nội dung cảnh báo, trong đó có nội dung: Các cháu sẽ “Học một ngành vô dụng”. Xung quanh nội dung này xin có mấy lời trao đổi:
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng các ngành: triết học , Lịch sử văn học, phê bình nghệ thuật… là rất oái oăm, vô dụng.  Xin thưa, vấn đề hữu  dụng hay vô dụng không hoàn toàn thuộc môn học, mà còn do sự tiếp nhận, vận dụng môn học đó như thế nào. Bản thân các ngành học của các trường đại học có nội dung từ các môn khoa học. Các môn khoa học này có lịch sử hình thành, phát triển, được giới khoa học và xã hội thừa nhận. Chúng là thành tựu của nhân loại, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Cho nên, việc khẳng định nó là vô dụng hay hữu dụng cần xem xét thật sự khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể gắn với thực tiễn trong nước và quốc tế hiện nay. Vì thế, trên môi trường mạng xã hội và trong thời đại tự do ngôn luận hiện nay, không ai có quyền ngăn cấm các cá nhân phát biểu ý kiến của mình, nhưng phát biểu với tính cách là những lời khuyên, nhất là lời khuyên từ những người có uy tín lớn như tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thiết nghĩ cũng nên cẩn trọng.
Tôi không rành các môn lịch sử văn học, phê bình nghệ thuật, nên chỉ xin có đôi lời bàn về : “sự vô dụng của triết học”.
A Giang ạ (cho phép tôi gọi như vậy cho tiện), có nhiều cách hiểu về triết học, nhưng cách đây gần hai thế kỷ, có một nhà triết học được xếp vào hàng danh nhân văn hóa thế giới, được cả triệu triệu người trên trái đất mến mộ học tập đã từng phát biểu: "... mọi triết học chân chính đều là tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại mình " và  "Các triết gia không mọc nên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, của dân tộc mình mà dòng sữa tinh tế nhất, quí giá và vô hình được tập trung trong tư tưởng triết học"[1].
 Nên nghiên cứu cứu triết học không phải chỉ để biết hệ thống khái niệm phạm trù:  duy vật, duy tâm, biện chứng, siêu hình, vật tự nó, vật cho ta, hiện sinh, hiện hữu…mà quan trọng hơn là để hiểu xuyên thấu cái bản chất cái tinh túy dưới dạng các khái niệm: về người, về đời, về mình để ứng xử tốt nhất trong thế giới đầy biến động khôn lường hiện nay. Nghiên cứu triết học phương Tây từ cổ đại đến hiện đại để hiểu cách cảm, cách nghĩ, cách tư duy cách ứng xử của người phương Tây ở tầng bậc sâu sắc, phổ quát nhất để làm ăn, buôn bán, giao tiếp, ứng xử trong mọi quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đạt hiệu quả cao nhất, tránh những thất thố, hiểu lầm không đáng có. Nếu các cháu sang trời Tây học, nghiên cứu triết học đạt tới trình độ đó, thiết nghĩ không chỉ các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội cần mà cả các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đều rất cần.
Nhận thức rõ điều này, nên từ năm 2002, Tổ chức khoa học giáo dục Liên hiệp quốc đã lấy ngày thứ năm, tuần thứ ba, tháng 11 hàng năm làm ngày triết học thế giới, để tôn vinh những suy tư triết học. Chắc hẳn để đi đến quyết định này là quá trình đầy khó khăn, phức tạp. Bởi, ngày nay triết học chỉ là một khoa học trong hàng vạn các ngành khoa học, và số lượng các ngành khoa học tiếp tục phát triển không ngừng, trong khi một năm chỉ có khoảng hơn 200 ngày làm việc. Sự lựa chọn này, không chỉ bắt nguồn từ vai trò to lớn của triết học trong hàng ngàn năm tồn tại phát triển của nó, mà còn từ vai trò to lớn không thể phủ nhận trong thời kỳ toàn cầu hóa, thời kỳ khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ như vũ bảo với những đột phá lớn, thời kỳ nhân loại cần phải dừng lại để suy tư, chiêm nghiệm triết học, tìm ra cái bất biến  trong dòng đời vạn biến tới mức quay cuồng hiện nay.
Ở Việt Nam ta càng cần triết học, A Giang ạ! Với hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng khiến nhiều dân tộc trên thế giới ngưỡng mộ, nhưng về triết học, đóng góp của  dân tộc ta vào tư tưởng triết học nhân loại khá khiêm tốn. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hiện nay các nhà nghiên cứu đều thống nhất, trong lịch sử phát triển của mình, dân tộc ta chỉ có những tư tưởng triết học, chưa hình thành những trường phái triết học, chưa có những nhà triết học lớn được thế giới biết đến. Cho nên, tư duy của một phần không nhỏ người Việt Nam chúng ta, chủ yếu là tư duy tiền triết học, tư duy tiền khái niệm. Tư duy mới dừng lại ở trình độ định danh sự vật, hiện tượng, chưa đạt tới các trình độ định hình, định tính, định lượng được sự vật hiện tượng. Thứ tư duy nặng về cảm tính, kinh nghiệm, xử lý công việc thiên về tình cảm chủ quan, ít chú ý lý tính, luật pháp,  thậm chí: “trăm cái lý không bằng tý cái tình”. Cho nên, cho dù người Việt thông minh nhưng tư duy lý luận ít phát triển, dễ bị mắc sai lầm, thậm chí dễ bị lừa gạt trên thương trường, trong các hợp đồng kinh tế kỹ thuật, đời sống xã hội; nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Vì thế, nghiên cứu truyền bá triết học chân chính, nhất là những trường phái triết học là đỉnh cao của tư duy triết học nhân loại như triết học Mác – Lênin, sẽ giúp các thế hệ người Việt Nam hình thành phát triển tư duy triết học, tư duy bằng các khái niệm, phạm trù, qui luật khoa học, góp phần đưa đất nước phát triển, chắc chắn sẽ là điều rất hữu dụng.
Hơn nữa khi đời sống vật chất ngày càng đâỳ đủ,  điều kiện để người Việt Nam tìm đến triết lý sẽ không ngừng gia tăng, như Arixtốt từng khẳng định, vì thế xã hội Việt Nam sẽ có nhu cầu sản sinh ra các nhà triết học lớn, đóng góp xứng đáng vào kho tàng tư tưởng triết học nhân loại; biết đâu trong số đó có các cháu đi du học triết học bên trời Tây hiện nay.
Trong khi chúng ta đang tranh luận triết học là vô dụng hay hữu dụng thì hiện có tới 1310 trường đại học đang giảng dạy nghiên cứu triết học, trong đó riêng ở Mỹ có tới 1001 trường. Và ở Pháp, triết học được coi là môn thi phổ biến ở hầu khắp các phân ban trong kỳ thi tú tài.
Những dẫn chứng trên chưa phải là tất cả, nhưng cũng đủ để kết luận triết học là vô dụng hay hữu dụng?      
                     
 



[1] C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- sự thật  Hà Nội, 1995 tr 156

Nhận xét