Những thiên kiến lệch lạc, xuyên tạc, ngộ nhận của Phạm Trần


Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, khi nhân dân cả nước được sống trong không khí sôi động, hào hùng kỷ niệm 72 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2017) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2017) – mốc son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc thì trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của Phạm Trần trên báo “Tiếng Dân” đã đưa ra luận điệu hết sức phản động, bài viết cho rằng, Việt Minh đã cướp chính quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim, bởi Việt Nam đã độc lập từ ngày 11-3-1945, ngày mà vua Bảo Đại ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Giáp Thân (Hòa ước Patenôtre) năm 1884. Như vậy, bài viết Phạm Trần đã cố tình xuyên tạc lịch sử, phủ nhận giá trị của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta.
Thứ nhất, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9-1945 là thắng lợi của chính nghĩa, sự lựa chọn tất yếu lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử, đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp và nắm quyền trên toàn cõi Đông Dương. Do được phát xít Nhật hứa sẽ giúp để trao trả nền độc lập cho Việt Nam, ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại đã ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Giáp Thân ký với Pháp. Thực chất, với mưu đồ thành lập ra bộ máy thống trị để thiết lập nền cai trị lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, phát xít Nhật đã có kế hoạch dựng lên một Chính phủ bù nhìn theo mô hình quân chủ lập hiến, trong đó, Trần Trọng Kim là Thủ tướng và Bảo Đại là vua. Vì phát xít Nhật là người “bảo trợ” nên mọi hoạt động của cái gọi là Chính phủ này đều phải được sự đồng ý của phát xít Nhật. nói một cách khác, mọi quyền hành tại Việt Nam thời gian đó đều trong tay phát xít Nhật.
Trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, khi cuộc đảo chính của Nhật nổ ra vào đêm 9-3-1945, Đảng ta không bị động trước thời cuộc mà trái lại, chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược sát, đúng để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ra đời vào ngày 12-3-1945 với nhận định: Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, tuy vậy cũng đã tạo ra những tiền đề cần thiết thúc đẩy cuộc khởi nghĩa chóng tới.  Trong Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Ban Chấp hành Trung ương, ngoài việc xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước, đó là thời điểm quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật và thời điểm Nhật đầu hàng Đồng minh. Cũng chính vì dự kiến thời cơ thuận lợi đang đến gần mà Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ra nghị quyết thành lập Ủy ban quân sự miền Bắc Đông Dương, thống nhất lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, lập xưởng vũ khí, tích trữ lương thực, khẩn trương đón thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Ngày 19-8-1945, trong khi Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật Bản và làm chủ Mãn Châu thì tại Hà Nội, cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Ngay sau đó, các địa phương trong cả nước lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong những ngày cuối tháng 8-1945. Ngày 2-9-1945, Nhật Bản chính thức ký các văn kiện chấp nhận đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, thì tại Vườn hoa Ba Đình lịch sử, lãnh tụ Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Như vậy, nếu coi sự thành công của Cách mạng Tháng Tám là “ăn may” trước một “khoảng trống quyền lực” thì quả là một cái nhìn sai lệch và xuyên tạc sự thật lịch sử. Càng sai lầm hơn khi cho rằng, thực chất Việt Minh cướp chính quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim. Thực tế những gì diễn ra trong thời điểm lịch sử tồn tại mà Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, một sản phẩm trái mùa của lịch sử đã tự nó nói lên rằng, đó chỉ là một chính thể bị phát xít Nhật sai khiến về mọi mặt. Chỉ có cuộc Cách mạng Tháng Tám, và sau đó là Ngày Quốc khánh 2-9-1945 mới là một thắng lợi của chính nghĩa, đem lại độc lập, tự do thật sự cho nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Luận điệu xuyên tạc của Phạm Trần cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng mà Việt Minh giành chính quyền từ Bảo Đại – Trần Trọng Kim rõ ràng là sự dã tâm muốn phủ nhận giá trị cuộc cách mạng của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, Cách mạng Tháng Tám thành công đưa đất nước, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
 Hơn 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, hơn 40 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam, là xu thế của thời đại. Thực tiễn lịch sử  hơn 72 năm qua đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Thực tiễn lịch sử càng khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám, của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta. Những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm độc và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá sai sự thật lịch sử về Cách mạng Tháng Tám chúng ta cần phê phán và bác bỏ./.
Nguồn: http://nhanvanviet.com/2017/10/01/nhung-thien-kien-lech-lac-xuyen-tac-ngo-nhan-cua-pham-tran/

Nhận xét