NHỮNG LỖI PHẠM “TRÁI VỚI VIỆC ĐẠO, VIỆC ĐỜI” CỦA MỘT SỐ LINH MỤC


                                                                                      Hồng Thủy
Trong những năm qua, các tôn giáo với đường hướng hành đạo tiến bộ phù hợp với lợi ích dân tộc đã hướng tín đồ tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước. Trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, hoạt động nhân đạo từ thiện… đã xuất hiện nhiều gương tiêu biểu của giáo dân, giáo sĩ, chức sắc tôn giáo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận của một bộ phận lớn nhân dân Việt Nam, trong đó có cả những người Công giáo chân chính hết sức bất bình, phẫn nộ trước các hành vi, hành động “trái với việc đạo, việc đời” của một số linh mục, nổi bật là linh mục: Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Ngọc Nam Phong...
Dựa vào những chuẩn mực của pháp lý của nhà nước và đạo lý Kitô giáo, xét những hành vi và việc làm của một số linh mục trên thực tế cho thấy, những lỗi sai phạm của các vị linh mục này được bộc lộ ở một số điểm sau:
Về mặt đời: Các vị linh mục này đã tổ chức nhiều hoạt động vượt qua ngưỡng giới hạn của hoạt động tôn giáo, vi phạm pháp luật có hệ thống, để lại những tai tiếng xấu làm hoen ố phương châm sống "tốt đời - đẹp đạo" mà tín đồ các giáo hội, giáo phận đã bồi đắp bấy lâu nay. Xin được tạm thời liệt kê một vài hoạt động dưới đây:
Đối với Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục (quản xứ Song Ngọc xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Vào tháng 7 năm 2012, linh mục Thục bất chấp quy định pháp luật của nhà nước quy định về pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật ở Con Cuông, Nghệ An, khi lực lượng chức năng vào tuyên truyền, thuyết phục, linh mục Nguyễn Đình Thục đã tổ chức cho giáo dân chống lại, bắt giữ cán bộ chính quyền trong trụ sở sau đó ra bản tường trình sự việc có nội dung không trung thực. Sau sự việc trên, Tòa Giám mục Xã Đoài đã buộc phải chuyển linh mục Nguyễn Đình Thục về giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tiếp đến vào tháng 01 năm 2013, linh mục Nguyễn Đình Thục có hành vi gây rối trước cổng tòa án, chỉ trích chính quyền ngăn cản tham dự phiên tòa xử một số thanh niên công giáo có hoạt động lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước. Gần đây là sự việc liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển miền trung, thì linh mục Nguyễn Đình Thục cùng linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Trần Đình Lai (Hà Tĩnh), linh mục Hoàng Duy Ngợi (Quảng Bình)…đã lợi dụng các hoạt động khiếu kiện hợp pháp tập trung đông đảo giáo dân tuần hành, biểu tình, trương băng rôn, khẩu hiệu, trả lời đài báo phản động ở nước ngoài RFA…tuyên truyền, xuyên tạc sai sự thật. Bên cạnh đó, từ ngày 05 đến ngày 06 tháng 12 năm 2016, linh mục Nguyễn Đình Thục đã sang Đài Loan để câu kết cùng với Nguyễn Văn Hùng - một linh mục quốc tịch Úc gốc Việt, đang sống tại Đài Loan và đại diện một số tổ chức phản động ngoại vi của Việt Tân để xin các dân biểu Đài Loan can thiệp đến vụ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Sau khi về nước, Nguyễn Đình Thục đã câu kết với các đối tượng của tổ chức khủng bố Việt Tân để kích động, lôi kéo người dân trong đoàn giáo dân đi khởi kiện ngày 14 tháng 02 năm 2017, tổ chức quay phim, chụp ảnh và viết nhiều tin bài xuyên tạc, vu cáo chính quyền đàn áp giáo dân, lôi kéo, kích động người dân biểu tình, gây rối chống Đảng, Nhà nước… Vào ngày 15 tháng 5 năm 2017, lợi dụng Công an tỉnh Nghệ An tiến hành bắt tạm giữ Hoàng Đức Bình về tội “chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo quy định tại điều 257, 258 của Bộ luật Hình sự, Nguyễn Đình Thục đã kích động, lôi kéo hàng ngàn người dân biểu tình kéo đến trụ sở Công An huyện Diễn Châu đòi thả Hoàng Đức Bình. Sau khi được các cơ quan chức năng giải thích, người dân tự giác giải tán ra về, song Nguyễn Đình Thục đã tìm mọi cách để gây sức ép buộc người dân tiếp tục phải tham gia biểu tình. Hơn thế nữa, linh mục Thục và một số đối tượng cực đoan đã đứng đằng sau kích động giáo dân quá khích gây rối, ném gạch, đá vào lực lượng chức năng, phóng viên báo chí gây thiệt hại người và tài sản nhà nước.
          Đối với Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam (quản xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), đã đi quá xa so với những gì thuộc về Giáo Luật Kitô giáo. Trước, trong và ngay sau thánh lễ đêm ngày 29 tháng 4 năm 2017, linh mục Đặng Hữu Nam đã bàn cách, bày mưu, tính kế, kích động, lôi kéo, thúc ép giáo dân (dụ dỗ đưa cả trẻ em) đi biểu tình khiếu kiện để bày tỏ “niềm tin tôn giáo” trong ngày nghỉ lễ 30 tháng 4 và ngày 1 tháng 5. Đặc biệt hơn nữa, là khi hành lễ trên thánh đường, linh mục Đặng Hữu Nam thường xuyên lợi dụng rao giảng thánh lễ để xuyên tạc, phỉ báng, bóp méo sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng về ngày đại thắng mùa xuân năm 1975.
Đối với Linh mục Nguyễn Duy Tân (quản xứ Thọ Hòa, ấp Thọ Hòa, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), đã từng có những phát ngôn bằng video hoặc bài viết đăng tải trên trang facebook cá nhân thể hiện những hành vi tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ Lãnh tụ đất nước hết sức ngông cuồng: “Nếu các linh mục chúng ta mà đoàn kết, thì Cộng Sản sẽ phải giải tán sớm thôi. Cộng sản giải tán để cho dân đỡ khổ”; “Tôi cầu mong cho Cộng Sản đừng phạm tội ác chống lại nhân loại"; “Tôi chỉ muốn Cộng Sản được giải thể; để cho đất nước, cho dân tộc được tự do, dân chủ và nhân quyền”; “Vào năm 2018 chế độ Cộng Sản ở Việt Nam sẽ giải thể, để cho Việt Nam có tự do, dân chủ và nhân quyền”; “Đồng tình ủng hộ Vũ Quang Thuận thực hiện phương thức đấu tranh bất bạo động để giải thể chế độ Cộng Sản tại Việt Nam”; “Cộng Sản luôn đóng vai ác, Hoa Kỳ luôn đóng vai thiện”; "Hiến kế cho Sài Gòn hết kẹt xe: Bước 1, giải tán đảng Cộng sản”. Đây là những lời lẽ bịa đặt vô căn cứ, mang tính chất chủ quan cá nhân của vị linh mục chống phá cách mạng. Hành động của linh mục này từ trước đến nay là tìm mọi cách nhằm kích động những phần tử phản động, bất mãn với Đảng, Nhà nước, chế độ; tập hợp, tạo dựng phe cánh, gây xung đột, gây rối loạn tình hình chính trị, xã hội và khi có điều kiện thì xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản (việc đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần linh mục Tân đề cập đến).
          Soi vào những hành vi, việc làm trên của một số linh mục trong thời gian vừa qua cho thấy, các linh mục không chỉ gây nên những sứt mẻ tình cảm với đồng bào lương dân mà còn vi phạm pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Trong Hiến pháp nước ta đã định rõ: Tín ngưỡng tự do. Nếu ai làm sai Hiến pháp, ... sẽ bị trừng phạt”[1]. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ lợi dụng tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, làm những việc trái pháp luật. “Bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”[2].
          Về mặt đạo: Các vị linh mục này với tư cách là những chủ chăn đã không làm tròn bổn phận, mục vụ của mình, mà còn tổ chức nhiều hoạt động vi phạm giáo lý, giáo luật của Kitô giáo, không những không củng cố được tinh thần Phúc Âm của tín hữu, mà đã làm gia tăng sự chia rẽ tình đoàn kết tương thân, tương ái trong đồng bào lương giáo vốn được dày công xây đắp trong rất nhiều năm qua.
          Trong thực thi trách nhiệm của Giáo hội. Một mặt, các vị linh mục này đã làm trái với ý chỉ của Hội Thánh Việt Nam, phớt lờ lời Chúa, rao giảng tin mừng thì ít, dâng thánh lễ qua loa, mà lợi dụng vào các hoạt động đó để nói xấu, lăng mạ, chống đối chính quyền, bôi nhọ lãnh tụ; biến bàn thờ linh thiêng trở thành nơi phàm tục. Điều này, trong tập 27, chương X trong Giáo luật “Cách riêng về Giáo hội” có ghi: “...Không biến mình thành một lực lượng chính trị vì như thế là sai với bản chất và sứ mạng của Giáo Hội...”. Vì vậy, việc làm của các linh mục này đã trái với luật Hội thánh và vô tình bán rẻ Thiên Chúa một cách không thương tiếc. Mặt khác, chính những linh mục này, lại đi làm những việc mà không thuộc phận sự của mình như: thực hiện nghi lễ của Hội thánh ở những nơi thiếu tính tôn nghiêm, nơi đầu đường, xó chợ, xúi giục bà con với giáo mác, gươm đao chống đối chính quyền, gây hiềm khích sâu sắc trong cộng đồng nhân dân kể cả lương và giáo. Trong bản Huấn thị Bộ Truyền giáo gửi cho các Ðấng Bản Quyền tại Việt Nam năm 1659 có đoạn ...Hãy giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với Nhà nước, dù các vị cầm quyền là những người khó khăn. Ở chỗ riêng tư cũng như ở nơi công cộng, đừng chỉ trích việc làm các nhà cầm quyền, ngay cả những vị đang bắt bớ anh em.... (Số 11/III).
          Nhìn tổng thể những hành vi, việc làm của một số linh mục như đã nêu trên trong thời gian vừa qua cho thấy, các vị linh mục này đã làm trái cả luật Hội thánh, tức vi phạm giáo luật là "Kỷ Luật Thánh”, đồng thời cũng sai cả luật đời, vi phạm Luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. Thiết nghĩ các linh mục này cần phải nghiêm khắc nhìn nhận những lỗi sai phạm của mình, đồng thời đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam phải có động thái thích hợp để xử lý những lỗi phạm của các linh mục này./.




[1] Hồ Chi Minh Toàn tập, tập.5, Nxb CTQG. H. tr.44.
[2] Báo Nhân Dân, ngày 16-20/10/1953.

Nhận xét