Vẫn là những luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Đình Cống



Trong khi cả dân tộc Việt Nam vui mừng chào đón 71 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9; tự hào với những thành tựu của 71 năm xây dựng và bảo vệ đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng thì trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện một số bài viết lạc lõng, suy diễn, hết sức phản động với danh nghĩa: “Góp ý cho Đảng và Nhà nước”. Trong số những luận điệu lạc lõng đó có Nguyễn Đình Cống, với bài viết “Bàn về việc góp ý, phê phán chính quyền và Đảng”.
Trong bài viết, Nguyễn Đình Cống đã dùng lối thủ thuật “tiểu xảo”, “mượn văn” người khác để diễn đạt nội dung, thay vì ý kiến cá nhân. Nguyễn Đình Cống đã quy chụp và mượn danh các nhà nghiên cứu để phê phán quan điểm của C.Mác, cho rằng: Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội không phải là mâu thuẫn giai cấp như C.Mác đã chỉ ra, mà mâu thuẫn chủ yếu của xã hội là mâu thuẫn giữa đông đảo nhân dân (những người bị trị) và chính quyền (tầng lớp thống trị). Để chứng minh cho luận điểu phản động đó, Nguyễn Đình Cống đã tự dựng lên bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam (do ông bịa ra) rồi quy chụp rằng: “Xã hội Việt Nam… vài chục năm gần đây mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền càng ngày càng nhiều, dân mất lòng tin, sự mất ổn định xã hội ngày càng tăng”; rồi chụp mũ cho Đảng và Chính quyền Việt Nam là lực lượng gây ra tình trạng đó. Tiếp đến, Nguyễn Đình Cống kêu gọi mọi người tẩy chay hợp tác với Đảng và Chính quyền Việt Nam.

Đây là những luận điệu hết sức phản động của Nguyễn Đình Cống. Bởi lẽ, quãng đời sinh sống lâu dài ở Việt Nam, Nguyễn Đình Cống từng được trực tiếp chứng kiến dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo cho đến nay đã phải trải qua biết bao khó khăn, thách thức, nhất là phải đối phó với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc do bọn thực dân đế quốc gây ra. Trong quá trình ấy, Đảng luôn xuất phát từ đặc điểm thực tiễn, khát vọng chính đáng của cả dân tộc, dựa chắc vào lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để hoạch định đường lối và chỉ đạo phong trào cách mạng. Trải suốt 86 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng với những thắng lợi nhân dân Việt Nam giành được trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như những thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội là bằng chứng thực tiễn khẳng định vai trò to lớn, những cống hiến hết mình “vì nước, vì dân” của Đảng Cộng sản Việt Nam; chứng minh giá trị khoa học, bản chất nhân văn của lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Suốt 86 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lợi ích tối cao của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, bên cạnh những thành tựu, ưu điểm, Đảng cũng có những khuyết điểm và luôn tìm cách sửa chữa, khắc phục. Đảng không hề bao che khuyết điểm, dung túng cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm mà ngược lại luôn chủ động phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Chính điều này không những làm cho Đảng phát triển vững mạnh, đủ năng lực gánh vác trọng trách mà “Quốc dân” ủy thác; mà quan trọng hơn là được đông đảo nhân dân tôn trọng, đặt niềm tin vào Đảng và thắng lợi của cách mạng. Đó là thực tế đã và đang hiện ra hằng ngày trên đất nước Việt Nam, trước sự chứng kiến của hàng chục triệu “con dân đất Việt”. Dẫu hôm nay, xã hội Việt Nam còn những mâu thuẫn, tiêu cực, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đông đảo nhân dân Việt Nam vẫn giành cho Đảng sự kính trọng, đặt niềm tin vào Đảng, đi theo Đảng, phấn đấu cho mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh’.


Thiết nghĩ, Nguyễn Đình Cống trong thời gian khá dài từng được tận hưởng nhiều chính sách, chế độ ưu đãi từ Đảng, Nhà nước, được học hành tử tế, đạt đến trình độ học vị, học hàm cao trong xã hội. Tục ngữ có câu “ăn quả nhớ người trồng cây”, Nguyễn Đình Cống đáng lẽ phải ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam, trong đó có ông và gia đình ông. Vì vậy, nếu còn chút lương tâm mong Nguyễn Đình Cống sớm từ bỏ hành động chống Đảng, Nhà nước trở về với chính nghĩa, lẽ phải./.
                                                                                   

                                                                      Nguồn: www.nhanvanviet.com

Nhận xét