Nọc độc của “diễn biến hòa bình” đối với “tự diễn biến, tự chuyển hóa”



“Diễn biến hòa bình”và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là kẻ tung, bọn hứng. Trong đó, “diễn biến hòa bình”, xét ở một khía cạnh nào đó, nó quyết định đến đối tượng, phạm vi của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Suy ngẫm về lịch sử và hậu quả của chiến lược “diễn biến hòa bình” do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động gây ra cho chủ nghĩa xã hội thế giới, nhất là với các nước ở Đông Âu và Liên Xô những năm 80, 90 thế kỷ XX đã thấy rõ đối tượng và phạm vi mà chúng tác động đến rất rộng lớn, cả ở tầm vĩ mô và vi mô của chủ nghĩa xã hội với tính cách là một chế độ nhà nước hay một hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đối tượng, phạm vi cụ thể của nó là chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Đây là đối tượng đầu tiên và là mục đích cuối cùng mà “diễn biến hòa bình” tác động. Nó làm cho “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra theo một trật tự kinh tế mà quỹ đạo và hướng tâm của nó là nền kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa. Nó làm cho các yếu tố, thuộc tính, bản chất chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa - công bằng, bình đẳng, không có bóc lột và phân phối theo lao động - dần bị biến dạng, ngả theo kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Nó làm cho các cương lĩnh, đường lối, chính sách và pháp luật của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa dần trở nên nửa vời, dần mất hết tính nhất nguyên vô sản - cốt lõi là bảo vệ lợi ích của người lao động… dần bị bóp méo, biến dạng một cách âm thầm, lặng lẽ, chuyển hóa và thừa nhận một cách tự phát, tự giác nền kinh tế tư nhân, tư sản, phục vụ lợi ích của giai cấp, tập đoàn những kẻ bóc lột và tước đoạt. Nó làm cho hiệu quả kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng héo mòn, thui chột, trở nên lạc lõng, chết yểu giữa vòng bao vây, cấm vận của kinh tế tư bản, buộc phải chấp nhận một cách từ từ đến toàn diện cả kiến trúc thượng tầng lẫn hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội.
Phạm vi của sự tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bởi “diễn biến hòa bình” diễn ra cả ở tầm vi mô và vĩ mô. Tùy theo sức mạnh kinh tế của từng nhà nước xã hội chủ nghĩa mà có thể ở cơ sở, bộ phận, lĩnh vực, ngành, địa phương đến toàn bộ nền kinh tế với tính cách là một chế độ kinh tế của một nước hay một hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa thế giới bị diễn biến và chuyển hóa bởi sự tác động và tiến công kinh tế của chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa là đối tượng và là mục tiêu tiến công trực tiếp, quyết liệt nhất của “diễn biến hòa bình”. Mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược của nó gây ra có thực hiện được hay không đều phải thông qua và nhờ vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Không đánh đổ, hạ gục được chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở các nước “cộng sản” thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không thể nào thực hiện được mục tiêu kinh tế của mình. Lịch sử của cơn “địa chấn” về chính trị của chủ nghĩa xã hội trong những thập niên cuối thế kỷ XX đã cho thấy, cuộc “chiến thắng không cần chiến tranh” của chủ nghĩa đế quốc không hẳn đã thành công nếu không có sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mà nói đúng ra là sự “tự quy hàng” và “tự đổ vỡ” của những người cộng sản đã thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng và tổ chức gây nên. Vì vậy, đối tượng “tác chiến” hàng đầu trong chiến lược “diễn biến hòa bình” thời gian tới vẫn chính là tiến công làm suy yếu và đổ vỡ chế độ chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Trong đó, sự giúp sức và hiệu quả nhất để không thấy “mùi thuốc súng” đó là sự “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” từ bên trong.
Phạm vi của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa cũng tùy thuộc vào sức mạnh bên trong của mỗi chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ nhất và trước tiên ở thượng tầng kiến trúc sau đến hạ tầng cơ sở của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Nó cũng có thể diễn ra ở một bộ phận của hệ thống chính trị, hoặc đảng cộng sản, hoặc nhà nước, chính phủ, quốc hội hay các đoàn thể, chính trị, xã hội trong hệ thống chính trị.
Là chế độ văn hóa - xã hội xã hội chủ nghĩa. Đây là nền tảng văn hóa, chính trị, tinh thần của chế độ xã hội chủ nghĩa, và là một đối tượng tiến công liên tục và rộng khắp của “diễn biến hòa bình”. Sự thành công hay thất bại của nó đều tùy thuộc vào tốc độ chuyển hóa nền văn hóa - xã hội của chế độ đối địch với nó. Thực tiễn nguyên nhân sự “đo ván” của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu vừa qua có nguyên nhân sâu sa từ sự thiếu đề phòng, cảnh giác, không ngừng xây dựng nền văn hóa, lối sống xã hội chủ nghĩa của những người cộng sản trên quê hương đất nước và của đồng bào, đồng chí của mình. Mặc dù về bản chất của chế độ văn hóa xã hội chủ nghĩa ưu việt và tiến bộ hơn hẳn nền văn hóa tư sản, song cuộc sống hàng ngày đã cho thấy những người cộng sản ở đó đã phải “bó gối, quy hàng” cũng từ chính sự thiếu nghiêm túc trong cuộc đấu tranh “một mất một còn” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên lĩnh vực văn hóa tinh thần. Có những bộ phận những người cộng sản không những không tăng cường trận địa tư tưởng - văn hóa, giành giật trái tim khối óc của quần chúng nhân dân mà còn ngả theo, hùa theo những trào lưu cơ hội, đòi xét lại chủ nghĩa Mác, phê phán và phủ nhận chủ nghĩa xã hội lẫn các tiêu chuẩn, đạo đức con người mới… Đây chính là con đường “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhanh nhất mà “diễn biến hòa bình” cần đến và khuyến khích, cổ xúy và kích động cho sự tiến công vào mục tiêu, lý tưởng, hệ tư tưởng và các giá trị văn hóa của những người cộng sản.
Phạm vi của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với chế độ văn hóa - xã hội chủ nghĩa cũng có thể diễn ra một cách cá biệt, hẹp hay phổ biến trên diện rộng của chế độ văn hóa - xã hội. Có thể là về tư tưởng chính trị, nền tảng văn hóa - xã hội, hay các giá trị, chuẩn mực về đạo đức, lối sống, văn hóa, thói quen, tập quán, truyền thống, hay chỉ ở một bộ phận giai cấp, tầng lớp nhân dân. Nó cũng có thể “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên một vài lĩnh vực nhất định, như tư tưởng chính trị, đạo đức hay lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân nhất định... Dù diễn ra ở mức độ nào, song chế độ văn hóa - xã hội xã hội chủ nghĩa cũng luôn là một đối tượng, một tiêu điểm mà “diễn biến hòa bình” hướng tới tiến công thông qua sự tác động, chuyển hóa của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong các chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam.
Nền quốc phòng - an ninh và đối ngoại xã hội chủ nghĩa cũng là một đối tượng, một mục tiêu quyết đấu của “diễn biến hòa bình” đối với chủ nghĩa xã hội thông qua con đường “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Sức mạnh và thành trì của chủ nghĩa xã hội được biểu hiện tập trung nhất ở nền quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Nếu nó thực sự vững mạnh toàn diện trên nền tảng hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, thì dù chiến lược “diễn biến hòa bình” có thâm độc đến đâu cũng khó có thể đánh đổ chế độ xã hội chủ nghĩa một cách mau chóng được. Hai hình ảnh đối lập giữa Quân đội Liên Xô và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc những năm 90 của thế kỷ XX đã cho thấy điều này. Nếu không có sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà thực chất là từ bỏ những nguyên tắc căn bản về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản trong Quân đội Liên Xô từ giữa những năm 1950 đến năm 1990 thì làm sao có thể dẫn đến sự đổ vỡ của Liên Xô - thành trì của chủ nghĩa xã hội thế giới được? Trái lại, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã làm được điều này. Họ đã không những không bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà còn không ngừng tự xây dựng, tự lớn mạnh và tự khẳng định được bản chất quân đội vô sản của mình. Nhờ đó, những mưu toan “đảo lộn Trung Hoa” bằng bàn tay “Pháp luân công” của các thế lực chống cộng đã thất bại hoàn toàn. Hiện nay, âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” vẫn còn hướng đến mục tiêu, đối tượng là quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Trung Quốc và Việt Nam thông qua con đường “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là mục tiêu, đối tượng tiến công quyết liệt nhất, và nếu thành công thì sẽ trở thành con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu của “diễn biến hòa bình”.
Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động - với tính cách là chủ nhân của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa - đối tượng tiến công chủ yếu, quyết liệt và mạnh mẽ nhất của các thế lực chống cộng suốt hàng thập kỷ qua. Bởi theo chúng, xét đến cùng chế độ xã hội chủ nghĩa có bị chuyển hóa, bị đánh đổ hay không đều tùy thuộc vào chính những con người, chủ nhân của chế độ đó quyết định. Vì vậy, hầu hết mọi âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” trước hết và bao giờ cũng tập trung tiến công vào con người, cá nhân con người, vào nhân dân của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà đầu tiên là vào đội ngũ cán bộ, đảng viên của chế độ đó.
Xem lại lịch sử của chiến lược “diễn biến hòa bình” cho thấy trong những chủ thể của chủ nghĩa xã hội, không hẳn mọi đối tượng đều là đối tượng tiến công. Nó thường lựa chọn những “con mồi” - cán bộ, đảng viên, kể cả thường dân song có chút vị thế, ảnh hưởng nhất định trong bộ máy đảng, chính quyền nhà nước, ngành, lĩnh vực… nhưng có quan điểm, lập trường, thái độ chính trị không rõ ràng, trung dung, ngả nghiêng, cơ hội hay suy thoái về đạo đức, lối sống làm đối tượng chuyển hóa. Thông qua những đối tượng này và được sự “giúp sức” bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn, chiêu thức hết sức tinh vi, xảo quyệt, âm thầm và lặng lẽ diễn ra trong một thời gian dài mà chuyển hóa họ thành lực lượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cấp cao nhất hay trên một bộ phận, ngành, lĩnh vực nhất định… hòng tiến tới làm lay động, rung chuyển cả hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa. Goóc-ba-chốp, En-sin ở Liên Xô trước đây là những ví dụ về đối tượng bị tiến công của “diễn biến hòa bình”. Họ đã trực tiếp gây nên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và biến mất của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đến Nhà nước Liên Xô và Xô viết tối cao.
Có thể khẳng định, đối tượng tiến công chống phá của “diễn biến hòa bình” chính là những cán bộ, đảng viên, quần chúng thoái hóa, biến chất ngay ở địa phương, cơ sở. Chúng dùng các đối tượng này làm “hạt nhân”, “ngòi nổ” gây sự bất ổn, nhiễu loạn từ cơ sở, tuyên bố ly khai, từ bỏ lập trường, quan điểm vô sản, thoát ly điều lệ và tổ chức đảng cộng sản, tiến tới thành lập các nhóm xã hội, tổ chức, đảng phái đối lập về chính trị ở cơ sở, địa phương. Chúng ra sức tranh giành quần chúng, ảnh hưởng chính trị với đảng cộng sản và nhà nước, mặt trận và đoàn thể. Chúng tìm cách chia tách, lôi kéo, tập hợp lực lượng trong đảng cộng sản, chính phủ, quốc hội và các lực lượng vũ trang… hòng tiến tới sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một bộ phận hay cả hệ thống chính trị, thực hành mưu đồ loại bỏ đảng cộng sản ra khỏi đời sống chính trị xã hội, lập đổ chính quyền, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn và lý luận cho thấy, “diễn biến hòa bình” đã quy định đến cả đối tượng và phạm vi của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả ở tầm vĩ mô và vi mô của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối tượng của “tự diễn biến”, “tự chuyển” càng cao, phạm vi càng sâu rộng thì mục đích, âm mưu, thủ đoạn của “diễn biến hòa bình” càng mau chóng được thực hiện, đôi khi chỉ là một sớm một chiều hay bằng chỉ bằng một cơn “địa chấn chính trị”, một cuộc bạo loạn với ngòi nổ nhỏ từ cơ sở sẽ gây nên hậu quả to lớn, mà người xưa thường nói: “Một đám lửa nhỏ thiêu cháy cả rừng”. Nhận thức đúng đối tượng và phạm vi tác động, quy định của “diễn biến hòa bình” đối với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một trong những vấn đề rất hệ trọng trong cuộc đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hiện nay./.

                                                                        Nguồn: www.nhanvanviet.com

Nhận xét