Nhai lại chiêu trò “dân chủ”, bọn người xấu muốn gì?



Trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, cùng với vấn đề “nhân quyền”, các thế lực thù địch coi việc sử dụng chiêu bài “dân chủ” là khâu đột phá chống phá cách mạng Việt Nam.
Chúng rêu rao rằng, Việt Nam là một quốc gia độc đảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị và kiểm soát… Do sự hiện hữu của độc quyền, chuyên chế đảng trị, dân tộc Việt Nam không chỉ khó thực hiện lý tưởng dân chủ mà còn khó tận hưởng các quyền tự do căn bản.
Người có nhận thức là lương tri đều biết quá rõ, không phải chỉ có một đảng cầm quyền là xã hội nào đó không có dân chủ. Cũng không phải thực hiện chế độ đa đảng thì chế độ xã hội ở một quốc gia nào đó mới là chế độ dân chủ. Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước duy trì hệ thống chính trị theo chế độ một đảng. Việt Nam, Lào, Cu Ba, Trung Quốc, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên là những nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Các nước Ểritơria, Ghinê và Mônacô cũng duy trì hệ thống chính trị theo hình thức một đảng. Như vậy, hệ thống chính trị một đảng không phải là đặc trưng riêng có ở các nước xã hội chủ nghĩa mà còn có ở các quốc gia – dân tộc không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Các nước Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật…., hệ thống chính trị theo hình thức đa đảng. Trong hệ thống chính trị ở các nước này thường có hai đảng trở lên có cơ hội thực tế trở thành đảng cầm quyền hoặc tham gia vào một liên minh cầm quyền. Ở nhiều nước tư bản hiện nay, do thành quả đấu tranh của nhân dân, giai cấp tư sản buộc phải điều chỉnh theo hướng cải cách dân chủ nhất định. Họ buộc phải công nhận các lực lượng đối lập, kể cả các Đảng Cộng sản. Song, bản chất của chế độ dân chủ đó vẫn là nền dân chủ tư sản bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Mặc dù ở các nước phương Tây có nhiều đảng, nhưng quyền lãnh đạo xã hội vẫn là đảng của giai cấp tư sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Ở những nước này, nhân dân chỉ được quyền lựa chọn những người lãnh đạo trong giai cấp tư sản. Hãy nhìn vào thực trạng hiện nay của nền dân chủ tư sản ở một số nước phương Tây. Ở Mỹ, có nhiều đảng chính trị, nhưng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà thay nhau cầm quyền. Cả hai đảng này đều là đại diện cho những tập đoàn tư sản Mỹ, họ vừa tranh giành, vừa thoả hiệp để cùng nhau thực hiện dân chủ cho giai cấp tư sản, vì giai cấp tư sản Mỹ. Hai đảng này luân phiên cầm quyền, nhưng lại có sự thống nhất cao trong những mục tiêu chiến lược của nước Mỹ: Nước Mỹ phải có được quyền lực (Power) để giữ gìn an ninh của mình; nước Mỹ phải đủ sức thiết lập và lãnh đạo trật tự thế giới (Peace); đem lại sự phồn vinh cho nước Mỹ theo nguyên tắc tư bản chủ nghĩa (Prosperity) và áp đặt các giá trị tự do, dân chủ của hợp chủng quốc Hoa Kỳ cho toàn thế giới (Principles).
Nhật Bản là nước theo chế độ đa đảng với hàng chục đảng phái, trong đó có năm chính đảng lớn. Đó là Đảng Tự do dân chủ (LDP), Đảng dân chủ (JDP), Đảng Công minh (Kômei), Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) và Đảng xã hội dân chủ (SDP). Nhưng trên thực tế việc cầm quyền đều rơi vào Đảng Tự do dân chủ (LDP) hoặc Đảng này chủ trì liên minh với Đảng dân chủ (JDP), Đảng Công minh (Kômei), Đảng xã hội dân chủ (SDP) để cầm quyền. Bản chất của hệ thống chính trị đa đảng ở các nước tư bản chủ nghĩa là sự thống trị của các công ty lớn và giới tài phiệt. Đường lối chính sách phát triển đất nước của các đảng đều do giới tài phiệt chi phối phải phục vụ cho lợi ích của giới tài phiệt, bảo vệ con đường phát triển tư bản chủ nghĩa. Điều này giải thích vì sao, Đảng Cộng sản Nhật cũng như Đảng Cộng sản ở các nước phương Tây chỉ đóng vai trò là đảng đối lập của Đảng cầm quyền hoặc liên minh cầm quyền ở các nước tư bản chủ nghĩa.
Cả lý luận và thực tiễn cho thấy, dân chủ hay không có dân chủ phụ thuộc vào giai cấp lãnh đạo trong xã hội đó mà không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay chế độ đa đảng trong hệ thống chính trị. Không có dân chủ chung chung, phi giai cấp. Chế độ một đảng hay chế độ đa đảng chỉ là hình thức trực tiếp của thực hành dân chủ nhằm thực hiện lợi ích của giai cấp cầm quyền. Nền dân chủ tư sản là một tiến bước tiến bộ lớn của nhân loaị so với chế độ phong kiến, nhưng đó vẫn là nền dân chủ do giai cấp tư sản, vì giai cấp tư sản. Ở các nước phương Tây thực hiện chế độ đa đảng, nhưng đảng nào chấp nhận con đường tư bản chủ nghĩa thì mới có cơ hội cầm quyền.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự phát triển về chất so với các hình thức dân chủ và chế độ dân chủ trước đó. Vì nền dân chủ này nhằm tiến tới giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Xem xét một quốc gia dân tộc nào đó có dân chủ hay không có dân chủ phải nghiên cứu mục tiêu, bản chất của nền dân chủ ấy là gì, nền dân chủ ấy vì ai và phục vụ cho ai, các hình thức tổ chức thực hiện dân chủ trong xã hội ấy.
Ở Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay đã chứng minh rằng, chỉ có dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam nhân dân ta mới giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bằng đường lối cách mạng đúng đắn, bằng sự chiến đấu hy sinh của các thế hệ đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhân dân tin yêu trao cho sứ mệnh lãnh đạo nhân dân và toàn dân tộc. Hiến pháp 2013 của nước ta quy định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội không phải do sự áp đặt mà chính nhân dân tin tưởng và giao cho Đảng trọng trách này. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và lãnh đạo nhân dân phấn đấu xây dựng xã hội Việt Nam đương đại do nhân dân lao động làm chủ và thực sự làm chủ, một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 Thực tiễn 30 năm đổi mới đất nước cho thấy, những thành tựu thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra trong đời sống xã hội bầu không khí cởi mở, tin cậy, tính năng động, sáng tạo, hướng tới sự phát triển trí tuệ, đạo đức, nhân cách khắc phục sức ỳ, sự trì trệ. Nhân dân được trau dồi ngày càng tốt hơn về ý thức dân chủ, về trình độ dân trí; có ý thức, trách nhiệm bảo vệ các giá trị của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đảng ta chỉ rõ dân chủ xã hội chủ nghĩa có nội dung toàn diện, trong đó thực hiện dân chủ trong lĩnh vực kinh tế là đặc biệt quan trọng. Bởi vì, chỉ thực hiện tốt dân chủ trên lĩnh vực kinh tế theo mục tiêu đảm bảo lợi ích cho người lao động, đảm bảo sự thống nhất lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân thì mới phát huy tác dụng tích cực đối với thực hiện dân chủ trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội.
Có thể khẳng định rằng sự phát triển của các thành phần kinh tế và tự do kinh doanh theo pháp luật là bước phát triển cực kỳ quan trọng của thực hiện dân chủ trên lĩnh vực kinh tế. Để thực hiện dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, Đảng ta đã kiên quyết xoá bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Đổi mới tư duy về kinh tế xã hội chủ nghĩa, về sở hữu, về các hình thức tổ chức sản xuất, về các thành phần kinh tế. Bằng việc phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; gắn quyền sở hữu với quyền sử dụng tư liệu sản xuất; các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất như khoán sản phẩm trong công nghiệp và nông nghiếp; giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân, các hình thức đấu thầu, giao quyền cho cá nhân và tập thể sử dụng, quản lý các tư liệu sản xuất và cơ sở vật chất kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với đổi mới về kinh tế là đổi mới về chính trị. Trọng tâm của đổi mới về chính trị là là đổi mới bản thân Đảng để từng bước ngang tầm với nhiệm vụ mới; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân, vì dân; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý Nhà nước và xã hội là yêu cầu bức thiết của dân chủ hoá xã hội.
Thành tựu nổi bật trong thực hiện dân chủ hoá trong lĩnh vực chính trị là chúng ta đã xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quản lý nhà nước bằng pháp luật. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có nhiều tiến bộ, tạo điều kiện cho việc kiện toàn phát huy vai trò của Nhà nước. Quyền dân chủ của nhân dân được bảo đảm và phát huy bằng pháp luật, bằng quy chế dân chủ ở cơ sở, bằng chính sách, bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; dân chủ tham dự…Hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp được đổi mới theo hướng ngày càng phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân. Thực hiện dân chủ trên lĩnh vực chính trị đã góp phần trực tiếp giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý của Nhà nước; vai trò của các tổ chức xã hội tham gia vào các hoạt động quản lý của Nhà nước….
Dân chủ trong lĩnh vực văn hoá, xã hội đã góp phần quan trọng vào đấu tranh, phê phán những mặt trái, những hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế xã hội: lãng phí, tham ô, tham những, độc đoán, chuyên quyền ức hiếp nhân dân…Quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo đảm và bảo vệ, các nhu cầu văn hoá xã hội đa dạng đã được đáp ứng từng phần tạo điều kiện nâng cao ý thức công dân trong giữ gìn, bảo vệ ổn định chính trị, xã hội, tham gia một cách tự giác vào công việc chung của đất nước, chống lại các hoạt động phá hoại từ bên trong và bên ngoài. Niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân vào đường lối đổi mới vào nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được củng cố.
 Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở bao gồm: Quy chế thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn. Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Quy chế thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp nhà nước. Mục đích của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường đoàn kết, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong vững mạnh; ngăn chặn, khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng, góp phần vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một bước tiến mới về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng thừa nhận là, trong xây dựng nền dân chủ cũng còn nhiều thiếu sót khuyết điểm. Một trong những khuyết điểm ấy là, chưa ngăn chặn đẩy lùi được suy thoái về về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, dân chủ bị vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo. Để phát huy quyền làm chủ của mỗi người dân, để mỗi công dân có thể hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, Đảng ta chỉ rõ, phải tập trung nâng cao chất lượng và đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội…
Như vậy, không thể xuyên tạc lừa mị rằng, thực hiện chế độ một Đảng là không có dân chủ. Có thể thấy mục đích thâm hiểm của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ là hòng xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, tiến tới thực hiện chế đa đảng, đa nguyên chính trị, đưa nước ta vào quỹ đạo của dân chủ tư sản. Đó là mưu sâu, kế hiểm của các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị. Các người không thể lừa bịp được người dân Việt Nam./.

                                                                     Nguồn: www.nhanvanviet.com

Nhận xét