Cần chữa trị bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay



Hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã mắc bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau, và ngày càng nghiêm trọng.
Đảng ta chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên diễn ra từ chỗ trước đây chỉ có ở không ít hoặc “một bộ phận” thì hiện nay đã và đang diễn ra ở “một bộ phận không nhỏ”, diễn ra ở “những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”. Những hiện tượng này nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ có tác hại rất nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng và do đó, quyết định đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một  bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra ở tất cả các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị đất nước với mức độ khác nhau, nên phạm vi ảnh hưởng và tác hại của nó với cuộc sống là vô cùng lớn. Trong đó, sự suy thoái của những người giữ cương vị càng lớn, có trách nhiệm càng cao thì tác hại đối với sự nghiệp cách mạng càng nghiêm trọng. Bởi lẽ, như người xưa đã đúc kết: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, và có thể làm đổ vỡ, thay đổi cả một hệ thống chế độ xã hội.
Do đó, muốn phòng chống và khắc phục suy thoái này, cần nhận diện sự suy thoái của chính mình; thấy rõ mình đã, đang suy thoái về cái gì, suy thoái như thế nào, từ đó “bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc” cho đúng, cho trúng để chữa trị căn bệnh nguy hiểm, quái ác này. Trong đợt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, người có chức vụ càng cao về Đảng và chính quyền càng phải gương mẫu tự nhận diện trước. Cần phải đặt ngay câu hỏi và trả lời được với chính mình và thành thực với tổ chức, rằng mình có suy thoái không? Suy thoái ở mặt nào? Suy thoái đến đâu? Ảnh hưởng của nó đến bản thân và tổ chức, đơn vị và xã hội? Trách nhiệm của bản thân đối với sự suy thoái đó như thế nào? Hướng tự nhận khuyết điểm, khắc phục, sửa chữa ra sao? Không nên nghĩ rằng chỉ có sự suy thoái ở người khác, ở cấp dưới mình. Nếu tự cho mọi việc làm của mình là đúng đắn, là chuẩn mực, là bất khả xâm phạm, thì đó lại chính là mình đang bị suy thoái. Tiếp đó, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhận diện sự suy thoái, thẳng thắn chỉ ra sự suy thoái ngay trong cơ quan, đơn vị mình, ai bị suy thoái, suy thoái về cái gì, suy thoái ở mức độ nào, suy thoái như thế nào?… Báo chí, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân cũng cần phải kịp thời phát hiện cán bộ, đảng viên suy thoái; các tổ chức đảng, cơ quan quản lý thật sự tôn trọng các ý kiến đó để nghiêm túc tiếp thu, tự phê bình và phê bình, có thái độ và biện pháp giải quyết dứt điểm.
Suy thoái đang là nhân tố kìm hãm bước tiến của công cuộc đổi mới, là nguy cơ, hiểm họa lớn đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ. Vì vậy, nhận diện thẳng thắn trung thực, đúng đắn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ của cán bộ, đảng viên, làm cơ sở đánh giá đúng đắn thực trạng và xác định các giải pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái ấy có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn hiện nay.

                                                                  Nguồn: www.nhanvanviet.com

Nhận xét