TẠI SAO ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC LÀ MỤC TIÊU CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH?

 

Phạm Trung

Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta trong lịch sử và hiện nay. Trong lịch sử, kẻ thù xâm lược sử dụng chính sách “chia để trị”, v.v.. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn, chiêu bài khác nhau để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng thường kích động nhân dân, thổi phồng, khuếch đại các vấn đề “nhạy cảm” trong xã hội; lợi dụng những yếu kém trong quản lý của các cấp chính quyền, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên để thổi phồng, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cho người dân từ nghi ngờ dẫn đến suy giảm hoặc mất niềm tin vào Đảng, chế độ. Chúng tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc, tôn giáo để gây dư luận xấu, gây mất đoàn kết giữa đồng bào dân tộc Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số. Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, các thế lực thù địch càng tập trung chống phá mạnh mẽ hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Tại sao đại đoàn kết toàn dân tộc lại là mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch? Câu hỏi này được lý giải bởi một số lý do cơ bản sau:

Một là, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Đoàn kết là một truyền thống tốt đẹp, được hun đúc trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã từng tổng kết: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, v.v.. Nhờ truyền thống quý báu này mà dân tộc Việt Nam thời kỳ phong kiến đã tạo nên sức mạnh to lớn trong xây dựng đất nước, chống chọi với thiên nhiên, chiến thắng sự xâm lược, đô hộ của giặc ngoại xâm.

Hai là, từ khi Đảng ta ra đời đến nay, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, tạo ra sức mạnh vô địch, đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 

Thấm nhuần những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhận rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Ngày 18/11/1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. Suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hoá và con người Việt Nam.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam trong lịch sử và hiện nay. Mọi người dân Việt Nam cần nhận thức đúng và có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu này, đồng thời cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Nhận xét