TINH HOA ĐẶC SẮC VỀ NGHỆ THUẬT CẦM QUYỀN



—————
Trải qua các thời đại với chế độ chính trị - xã hội khác nhau, dưới thời phong kiến độc lập, tự chủ, các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê (hậu Lê) đến triều Tây Sơn đã lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ vững chắc giang sơn. Lịch sử đã chứng minh rằng, ở các mức độ khác nhau, các triều đại phong kiến đã có những đóng góp quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, góp phần giữ yên bờ cõi trước sự xâm lăng của ngoại bang, khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc. Tinh hoa đặc sắc về nghệ thuật cầm quyền, trị quốc trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt là ở các thời thịnh, các triều đại phong kiến luôn thể hiện qua những tư tưởng và thực hành nhiều chính sách quan trọng, đó là:
Một là, luôn đề cao vai trò của nhân dân, coi “dân là gốc”, từ đó tạo nên sức mạnh cố kết cộng đồng trong tiến trình lịch sử Việt Nam để ứng phó và vượt qua các thử thách. Trong lịch sử dân tộc ta đã có nhiều thử thách khắc nghiệt, nhưng chính quyền luôn biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh trong nhân dân - cội nguồn sức mạnh của dân tộc.
Những điển hình trong lịch sử, như Ngô Quyền dựa vào quân và các hào trưởng địa phương mà đánh tan quân Nam Hán; triều Trần với Hội nghị Diên Hồng kêu gọi toàn dân kháng chiến và ba lần đánh bại ý chí xâm lược của đế chế Nguyên - Mông hùng mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIII là “nhờ cả nước giúp sức” như lời của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo.... Thời hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã chiến thắng các đế quốc, thực dân hùng mạnh trong thế kỷ XX cũng là nhờ vào đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc để giành và bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
Hai là, coi lợi ích của dân tộc là tối thượng. Trong những giá trị thuộc phạm trù lợi ích dân tộc thì độc lập và chủ quyền quốc gia được coi là thiêng liêng nhất. Vua Lê Thánh Tông với câu nói nổi tiếng “Nếu kẻ nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. Hồ Quý Ly để mất độc lập và chủ quyền vào tay quân Minh, Lê Chiêu Thống cầu cứu quân Mãn Thanh, Nguyễn Ánh cầu cứu quân Xiêm đánh đổi chủ quyền, Bảo Đại và ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975... đều bị dân tộc coi là những kẻ tội đồ với lịch sử vì đã làm mất hoặc bán rẻ những giá trị thiêng liêng đó. Xét về góc độ trị quốc, các triều đại hưng thịnh đều thu phục được lòng dân, huy động được sức mạnh toàn dân khi biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng.
Ba là, cai trị mềm dẻo, khoan dung, trọng hòa hiếu. Đây là một trong những tính cách đặc trưng của người Việt: “Nhu viễn” (mềm với phương xa), lý đi đôi với tình là chính sách đối xử đặc biệt với các dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng biên viễn được thực thi từ thời Lý và trở thành nét độc đáo trong chính sách cai trị của hầu hết các chính quyền ở Việt Nam. Bộ Luật Hồng Đức thể hiện đậm chất nhân văn, phản ánh sinh động đặc trưng này - “Những người miền Thượng phạm tội với nhau thì lấy tục lệ xứ ấy mà xử”. Ngoại giao triều cống, thực hiện chính sách “thần phục giả vờ, nhận sắc phong nhưng độc lập thật sự” trong quan hệ bang giao với các triều đại phong kiến Trung Hoa là nhằm tạo lập một cách ứng xử phù hợp và có lợi nhất cho quốc gia - dân tộc.
Bốn là, phát huy đại đoàn kết dân tộc, khoan dung tôn giáo. Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng; là quốc gia luôn giải quyết tốt vấn đề tôn giáo từ ngàn xưa đến nay, hầu như không có xung đột tôn giáo mà trái lại, các tôn giáo quan hệ với nhau trong hợp tác và hòa thuận. Có được những kết quả đặc sắc như vậy do những chính sách khoan dung tôn giáo, kiến tạo môi trường hỗn dung cùng tồn tại trong hòa bình, ổn định và phát triển của nhiều tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, là nét đặc sắc trong nghệ thuật cầm quyền, trị quốc của Việt Nam, thể hiện qua việc mở khoa thi kén chọn nhân tài, dụng nhân tài không kể xuất thân, không kỳ thị lỗi lầm trong quá khứ; dựng bia đá, trọng đãi nhân tài, vun đắp nguyên khí quốc gia; cảm hóa thu phục nhân tài tham gia kháng chiến, cứu nước.
Sáu là, mở rộng dân chủ. Dân chủ dường như không tồn tại dưới chính thể quân chủ, nhưng không ít lần các chính quyền phong kiến đã mở rộng dân chủ để cố kết nhân tâm và tranh thủ trí tuệ của nhân dân và của quần thần, hạn chế độc đoán, chuyên quyền. Đây là hiện tượng không hiếm gặp dưới các triều đại quân chủ, tập quyền chuyên chế, như Hội nghị Bình Than, Hội nghị Diên Hồng thời Trần để lấy ý kiến các vương hầu và đại diện bô lão trong cả nước để bàn kế sách đánh giặc khi giặc Nguyên - Mông chuẩn bị kéo sang xâm lăng bờ cõi nước ta; định chế cộng đồng, chế độ Đình nghị dưới triều Minh Mạng để thảo luận, bàn bạc đề xuất với vua về những vấn đề liên quan đến đất nước, làng xã...).
nguồn: tổng hợp từ tuyengiao.vn

Nhận xét