THỰC TIỄN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG




 Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam thành lập, đã dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng mang giá trị khoa học và hiện thực đó bảo đảm cho Đảng hoạch định Cương lĩnh, đường lối đúng đắn và hiện thực hóa thành công những mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính trị, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam sớm xác định nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng. Vì vậy, luôn đưa ra nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh, thích hợp.
Nửa cuối thập niên 80, chủ nghĩa xét lại và cơ hội một lần nữa gây ảnh hưởng xấu, tổn thất lớn trong các nước XHCN. Với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sớm nhận thấy những diễn biến tiêu cực của các Đảng và các nước XHCN, nên đã chủ động phòng ngừa những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Sự chủ động trong đấu tranh và phòng ngừa thể hiện rõ trong NQTƯ 6 khóa VI (3-1989) của Đảng đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, bảo đảm cho đổi mới đúng hướng. Nguyên tắc hàng đầu là khẳng định đi lên CNXH là con đường tất yếu, là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân Việt Nam. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà thay đổi những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.
Tháng 8-1989, HNTƯ 7 khóa VI của Đảng ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”. Trung ương đã nhận định 6 điểm về những sai lầm trong cải tổ, cải cách của một số đảng về thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng, dân chủ hóa không giới hạn, hạ thấp sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận thành tựu của lịch sử, của CNXH. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam trong những năm 1989-1991 không có một sự rối loạn, biến động nào.
Đại hội VII (6-1991) của Đảng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định dứt khoát con đường XHCN và Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Thập niên 90 chứng kiến nhiều biến động lớn Liên Xô và Đông Âu không còn là xã hội chủ nghĩa, nhưng Việt Nam và một số nước vẫn kiên định con đường XHCN và tiếp tục phát triển với những thành tựu quan trọng.
Đại hội XII của Đảng đánh giá: Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tuy nhiên, Đại hội XII cũng chỉ ra một số hạn chế: đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao”. Từ đó, Đảng đã đề ra chủ trương và giải pháp mới đấu tranh cho phù hợp hơn. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng để không mắc vào sai lầm cũng như vận dụng đấu tranh có hiệu quả hơn để tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn mới.       
    P.C

Nhận xét