Khai thông nguồn lực văn hóa, tạo bước đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững



GS, TS. ĐINH XUÂN DŨNG
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
TCCS - Sau hơn 30 năm đổi mới, hiện nay và những năm sắp tới, đất nước ta đang và sẽ đứng trước nhiều đòi hỏi, thách thức mới cả ở nội tại của đất nước và từ các quan hệ quốc tế với những diễn biến phức tạp, khó lường chưa từng có từ sau Chiến tranh lạnh. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta cần có những bước đi đột phá để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, trong đó có việc khai thông nguồn lực văn hóa.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển, nên cần khai thông nguồn lực văn hóa, tạo bước đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững _Ảnh: Tư liệu
1- Trước yêu cầu của thời kỳ mới, để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, nhằm đáp ứng khát vọng của nhân dân và sự cảm nhận xu thế thời đại, vấn đề đang được đặt ra là: Ở giai đoạn lịch sử mới này, có lẽ không có con đường nào khác là phải tạo bằng được những đột phá mới để đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nếu không, chúng ta sẽ tụt lại phía sau, trong khi các quốc gia khác đều đang tìm cách mới, cơ hội mới để bứt phá.
Có nhiều con đường để tạo nên sự bứt phá đó. Gần đây, người ta đang nhấn mạnh đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như là một động lực tổng hợp làm thay đổi cả diện mạo, chất lượng và chiều sâu của sự phát triển. Anindya Ghose, trong cuốn sách mới của mình “Chạm để “mở” nền kinh tế di động” (Nhà xuất bản Trẻ, 2019), đã nhận định: “Hơn 50 năm trước, Marshall MeLuhan đã đặt ra thuật ngữ “làng toàn cầu” để mô tả một thế giới hoàn toàn kết nối và phụ thuộc lẫn nhau nhờ viễn thông. Thế giới ấy đã ở đây”(1). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế số, “kinh tế di động” (chữ dùng của A. Ghose) là một thành tựu tuyệt vời của trí tuệ con người, của khoa học - công nghệ hiện đại. Nói như GS. Erik Brynjolfsson (Giám đốc chương trình Sáng kiến MIT về kinh tế số) thì giờ chúng ta vẫn đang trong những ngày đầu của cuộc cách mạng này, có nghĩa là trong tương lai gần, tác động của nó còn mạnh, sâu và khó lường, không chỉ với nền kinh tế mà với toàn bộ đời sống của con người trên toàn thế giới. Kinh tế số là kết quả của trí tuệ con người, của khoa học - công nghệ phát triển lên trình độ cao. Hiểu theo nhận thức đầy đủ, toàn diện của UNESCO từ chiều sâu và bản chất của nó, trí tuệ, khoa học và công nghệ chính là văn hóa. Có nghĩa là, khi nhấn mạnh đến vai trò cực kỳ to lớn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của kinh tế số mà chỉ bàn về nó như một lĩnh vực thuộc kinh tế, tác động đến kinh tế thì sẽ rơi vào sự phiến diện. Nó còn là kết quả, thành tựu của văn hóa! Phải chăng, khi bàn về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về kinh tế số và hiệu quả do nó tạo ra có tính bước ngoặt lịch sử chính là xác định, khẳng định vai trò, tác động của văn hóa đối với xã hội hiện đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đã bàn nhiều về văn hóa, song có 2 luận điểm rất cô đúc và sâu sắc mà có lẽ đến nay, chúng ta vẫn chưa nhận thức hết chiều sâu. Đó là “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(2) và “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”(3). Trong các văn kiện của Đảng những năm gần đây đều thẳng thắn chỉ ra, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn kém. Phải chăng phải tìm nguyên nhân sâu xa ở văn hóa, trong văn hóa, trong chất lượng nguồn nhân lực? Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa cao, còn bộc lộ không ít hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc xác định trình độ dân trí và chất lượng văn hóa của đất nước chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
Thực tế cho thấy, tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực còn chậm đổi mới, lý luận chưa giải đáp được một số vấn đề của thực tiễn đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Điều này cho thấy tầm quan trọng của văn hóa, đặc biệt là văn hóa chính trị, văn hóa tư duy đối với sự phát triển đất nước, đúng với yêu cầu phải có theo minh triết Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Như vậy, đột phá để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững là một đòi hỏi, nhu cầu và thách thức khách quan trong giai đoạn lịch sử mới. Tạo được những đột phá đó phải dựa vào nội lực của dân tộc, của đất nước từ truyền thống đến đương đại. Nội lực đó chính là văn hóahay nói một cách khác, là sức mạnh nội sinh quan trọng bậc nhất của sự phát triển, xem đó là nhân tố quyết định đối với sự phát triển. Mặt khác, nội lực đó thường là sức mạnh còn tiềm ẩn, cần phải đồng thời gạt bỏ những lực cản đối với nó và khai thông, phát huy để làm cho sức mạnh tiềm ẩn đó trở thành hiện thực, được hiện hữu trong toàn bộ đời sống của dân tộcĐó là một một sự nghiệp to lớn, đầy khó khăn, song chỉ có vượt qua chúng ta mới thực hiện được khát vọng đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam hiện đại _Ảnh: Tư liệu
2- Những năm gần đây, chúng ta nhấn mạnh về mối quan hệ giữa kiên định và sáng tạo, trước hết đó là thái độ đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng. Sáng tạo trên cơ sở kiên định, kiên định không phải là bảo thủ, máy móc, lảng tránh những vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn. Trước sự biến đổi, biến động khó lường của tình hình thế giới hiện nay và những năm sắp tới, cần giải quyết hài hòa, biện chứng hơn quan hệ trên, trong đó nhân tố sáng tạo cần phải được quán triệt sâu hơn, triển khai mạnh mẽ, khoa học hơn từ vi mô đến vĩ mô, đúng như tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa khi Người nhấn mạnh hai thành tố đặc biệt tạo nên văn hóa: “Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”(4).
Cách đây gần 100 năm, vào thời điểm chủ nghĩa xã hội mới bắt đầu xây dựng ở nước Nga Xô viết, khi bàn về cách mạng ở phương Đông, V.I. Lê-nin đã khuyên những người cộng sản phương Đông rằng, các đồng chí hiện đang có một nhiệm vụ mà những người cộng sản toàn thế giới không có, dựa vào lý luận và thực tiễn chung của chủ nghĩa cộng sản, các đồng chí phải thích ứng với những điều kiện đặc biệt mà các nước châu Âu không có... Đó là những nhiệm vụ sẽ tìm thấy cách giải quyết không phải trong một cuốn sách cộng sản nào cả mà phải làm với kinh nghiệm của bản thân mình. Đó là một tư tưởng lớn, những chỉ dẫn cực kỳ sâu sắc, thể hiện một tầm nhìn mang tính dự báo sáng suốt và cả những đòi hỏi rất cao ở năng lực sáng tạo đối với những người cách mạng phương Đông.
Cũng vào thời điểm đó, chỉ dăm ba năm sau bài của V.I. Lê-nin, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc, lúc đó đang ở Nga, đã có một bản báo cáo nhan đề “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ” (bằng tiếng Pháp). Trong báo cáo, Nguyễn Ái Quốc khẳng định, chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó (tức Phương Đông). Đồng thời, ngay từ hồi đó, Người đã dứt khoát khẳng định các nội dung cần bổ sung, phát triển và sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện và đặc điểm rất đặc thù của phương Đông. Người viết: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(5). Cần bổ sung cơ sở lịch sử cho chủ nghĩa Mác, theo Nguyễn Ái Quốc “bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, do đó “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(6). Từ đó, Người đã rút ra một nhận định cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa phát hiện sâu sắc: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(7).
Sự khai thông nguồn lực văn hóa cho phát triển, có lẽ, trước hết là sự khai thông năng lực sáng tạo về mặt lý luận chính trị - một lĩnh vực cực kỳ quan trọng của văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”. Xu hướng “bản địa hóa” chủ nghĩa Mác đang hình thành, phát triển ở nhiều đảng cộng sản, đảng cánh tả trên thế giới và có cơ hội tạo nên sức sống mới cho chủ nghĩa Mác thời kỳ hiện đại. “Việt hóa” chủ nghĩa Mác cũng là con đường tối ưu để chúng ta vừa kiên định vừa sáng tạo, trong đó sáng tạo là đòi hỏi khách quan trong thời kỳ lịch sử mới. Cùng với quá trình “Việt hóa” chủ nghĩa Mác là việc khẳng định giá trị bất hủ của tư tưởng Hồ Chí Minh và theo cách tư duy rất độc đáo của Người, một hiền triết phương Đông - đó chính là minh triết Hồ Chí Minh. Từ nhiều năm nay, đặc biệt những năm gần đây, Đảng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta đã làm song còn biết bao vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn cần tiếp tục được làm rõ.
3- Hơn 30 năm đổi mới vừa qua, văn hóa của chúng ta có những bước phát triển nhất định, thể hiện ở sự đa dạng, phong phú các loại sản phẩm văn hóa và năng lực bao quát rộng lớn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa của người dân. Song có thực tế đáng lo ngại là sự xuất hiện của xu hướng thương mại hóa, chạy theo những nhu cầu tầm thường của một số sản phẩm văn hóa, hệ giá trị văn hóa chưa thực sự được khơi dậy và phát huy để thúc đẩy sức mạnh nội sinh của dân tộc; thậm chí trong xã hội xuất hiện sự đảo lộn hệ giá trị. Sứ mệnh của văn hóa, nhìn ở chiều sâu nhất của nó, là tạo ra các giá trị trong nhân cách con người, góp phần xây dựng và phát triển nguồn lực con người với chất lượng cao. Thời gian qua, sự định hướng trong thực tiễn chỉ đạo phát triển văn hóa còn lúng túng, chưa phù hợp những quy luật đặc thù của văn hóa. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... ở trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thời gian qua không chỉ hạ thấp vai trò cần có của văn hóa, mà còn tác động trực tiếp, tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước, vì chất lượng con người là nguồn vốn lớn nhất, quý nhất của sự phát triển.
Hiện nay, đất nước ta còn nhiều mặt lạc hậu, người dân đang nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững. Trong điều kiện đó và trong sự phát triển mạnh của các quốc gia, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất của con người là đòi hỏi cấp thiết, khách quan và chúng ta đã đạt được những kết quả thực sự to lớn. Song, trong quá trình đó đã xuất hiện một xu hướng, chỉ chú trọng cho sự tăng trưởng kinh tế, coi đó là mục tiêu cuối cùng, chưa coi trọng phát triển văn hóa, xây dựng con người, chưa tập trung các nguồn lực để chăm lo, phát triển văn hóa, thậm chí có lúc còn lảng tránh những vấn đề đặt ra trong đời sống văn hóa.
Những năm gần đây, chủ nghĩa thực dụng kinh tế đã xuất hiện và đang tác động, chi phối mạnh đến đời sống xã hội, dẫn tới những biểu hiện rất đáng lo ngại về mặt văn hóa và con người như tất cả chúng ta đã biết trong thời gian qua. Rơi vào chủ nghĩa thực dụng kinh tế và hạ thấp vai trò của văn hóa là một nguy cơ và một sai lầm lớn. Đó là điểm nghẽn cản trở sự phát triển văn hóa hiện nay. Nếu tập trung giải quyết bằng được điểm nghẽn này sẽ trực tiếp giải phóng năng lực, nguồn lực văn hóa để văn hóa trở thành sức mạnh trực tiếp tác động tích cực đối với kinh tế và cao hơn, đưa văn hóa vào kinh tế, là lực lượng sản xuất trực tiếp trong mọi hoạt động kinh tế. Trong sản xuất và phát triển kinh tế hiện đại, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hàm lượng chất xám, hàm lượng trí tuệ của con người chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Trí tuệ và chất xám ấy chính là văn hóa, do văn hóa tạo nên trong con người. Do vậy, khai thông nguồn lực văn hóa cho sự phát triển là yêu cầu bức thiết được đặt ra hiện nay.
Khai thông nguồn lực văn hóa cho sự phát triển cần phải được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, hội tụ tất cả sức mạnh, tính ưu việt của văn hóa vào nhiệm vụ xây dựng con người. Đó là con người có năng lực sử dụng, phát huy các thành tựu văn hóa để bồi đắp những giá trị tốt đẹp, lành mạnh, phong phú cho nhân cách con người Việt Nam hiện đại. Thứ hai, tôn trọng sự phát triển đa dạng của văn hóa; tập trung ưu tiên các nguồn nhân lực, tài lực, trí lực, vật lực cho “dòng mạch chính” phát triển văn hóa. Thứ ba, cần khẳng định văn hóa là một thành tố cực kỳ quan trọng trong đột phá chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển toàn diện của thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bắt đầu diễn ra ở nước ta. Đây không phải là một cách nói “văn hoa, sáo ngữ” mà là một đặc điểm, một thực tiễn trong nền kinh tế số, là một yêu cầu quan trọng để khai thông nguồn lực văn hóa, góp phần tạo nên bước đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới./.
------------------------------
(1) Anindya Ghose: Chạm để “mở” nền kinh tế di động, Nhà xuất bản Trẻ, 2019, tr. 394
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 7
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 1, tr. XXV
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 3, tr. 458
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 1, tr. 509, 510
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 1, tr. 510

Nhận xét