“Cuộc chiến” giữ gìn Chân, Thiện, Mỹ trong văn học - nghệ thuật



GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Ảnh: PV
BẢO VỆ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG “THẾ GIỚI PHẲNG”
Thưa GS, gần đây một số văn nghệ sĩ "lớn tiếng" kêu gọi và đòi phải thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước thì mới có thể tự do sáng tạo văn học - nghệ thuật. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
GS. TS Đinh Xuân Dũng: Do sự phát triển của xã hội hiện đại và cuộc đấu tranh trong lĩnh vực hệ tư tưởng diễn ra rất phức tạp, cho nên ở bất cứ quốc gia nào đều có lãnh đạo của đảng cầm quyền đối với văn hóa, văn học nghệ thuật. Việc đảng chính trị lãnh đạo không phải là quy luật phổ quát của toàn bộ nền văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc, quốc gia, nhưng nó là một quy luật đặc thù trong thời kỳ hiện đại.
Chỉ cần lấy dẫn chứng như thế này: Khi Liên Xô tan rã, Boris Yeltsin đã mở toang, không lãnh đạo văn học - nghệ thuật, dẫn tới nền văn học - nghệ thuật Nga vốn rất rực rỡ lâm vào khủng hoảng, tha hóa trầm trọng. Trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ 20, người ta đã thống kê khoảng 10 nhà văn Nga có sách xuất bản nhiều nhất phần lớn đều viết về tình dục, trinh thám, giật gân, câu khách... Khi trở thành Tổng thống Nga, ông Putin có thái độ rất kiên quyết chấn chỉnh hoạt động văn học - nghệ thuật. Gặp mặt các văn nghệ sĩ Nga, ông nói: Bảo vệ tiếng Nga, bảo vệ ngôn ngữ Nga là bảo vệ tính cách và dân tộc Nga. Ông đã ra sắc lệnh văn hóa có hiệu lực từ tháng 7-2014. Theo đó, các ngành văn hóa như văn học, điện ảnh, kịch nghệ… cũng như các nghệ sĩ tuyệt đối không được sử dụng thứ ngôn ngữ đường phố, thô tục trong tác phẩm của mình. Ai vi phạm sẽ bị phạt số tiền tương đương 1.000 euro, đồng thời tác phẩm cũng bị cấm phát hành.
Có lần, tôi có dịp trao đổi với một số cán bộ lãnh đạo văn nghệ Trung Quốc, họ khẳng định Đảng Cộng sản Trung Quốc phải lãnh đạo tạo ra sự phát triển toàn diện, phong phú, đa dạng của nền văn hóa, văn nghệ. Nhưng Đảng đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo để văn nghệ “hát vang giai điệu chính” đó là phục vụ xây dựng “CNXH đặc sắc Trung Quốc”. Lần khác, tôi trao đổi với một số vị lãnh đạo, quản lý ngành văn hóa của Hàn Quốc. Họ khẳng định, nhà nước phải định hướng và quản lý để văn hóa, văn học - nghệ thuật khẳng định truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Hàn. Cho nên, công nghiệp điện ảnh của họ rất phát triển, đó là con đường tạo nên “sức mạnh mềm” của Hàn Quốc.
Thực tiễn phương Tây hay phương Đông hiện nay đều cho thấy rằng, trong thời kỳ hiện đại, việc đảng cầm quyền lãnh đạo văn hóa, văn học - nghệ thuật là một đòi hỏi khách quan. Hiến pháp 2013 của nước ta quy định Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cho nên khi nói Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo văn hóa, văn học nghệ thuật không phải là ý muốn chủ quan của Đảng, mà đó là nhận thức một quy luật trong phát triển xã hội hiện đại. Bất cứ đảng cầm quyền nào muốn định hướng cho sự phát triển của dân tộc, của quốc gia mình thì đều phải lãnh đạo cả chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, quốc phòng, an ninh và không thể thiếu lĩnh vực văn hóa.
Cho nên sẽ mắc hai sai lầm, một là cho rằng đảng lãnh đạo là quy luật phổ quát của toàn bộ sự phát triển của văn học-nghệ thuật thì không đúng. Nhưng sai lầm thứ hai là phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ hiện nay, đó là một sự ngây thơ, nếu không, đó là một sự chối bỏ một quy luật của sự phát triển.
Thưa GS, Các Mác nói rằng, “dân tộc nào đánh mất bản sắc thì dân tộc đó sẽ bị đồng hóa”. Trong “thế giới phẳng” hiện nay, nguy cơ bị xâm lăng văn hóa là điều mà các học giả vẫn thưởng cảnh báo các dân tộc. Thế nhưng vẫn có “học giả” cho rằng Đảng ta “cứ làm quá lên”, “báo động giả” chứ làm gì có âm mưu “diễn biến hòa bình” về văn hóa?
GS. TS Đinh Xuân Dũng: Trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, xâm nhập văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng mạnh, càng sâu và nó trở thành một đặc điểm của xã hội hiện đại. Trong sự giao thoa, tiếp nhận đó, cả những tích cực, tiến bộ, cả những cái lạc hậu, cả những cái không phù hợp với đặc tính, truyền thống của một dân tộc sẽ xảy ra. Như vậy, mỗi dân tộc ở trong tương quan toàn cầu hóa, hiện đại hóa đều phải ứng phó với hai tác động. Một là, tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa đó trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn học -nghệ thuật. Hai là, tác động tiêu cực mà nó sẽ lái dân tộc đó lệ thuộc vào nền văn hóa mạnh hơn, của một quốc gia mạnh hơn mình. Người ta nói đó là sự lệ thuộc vào mặt văn hóa. Vào năm 1959, Bác Hồ nói là sự xâm lăng văn hóa. Từ đó nếu không biết tự bảo vệ mình sẽ dẫn tới bị đánh mất chính mình, không chỉ về mặt chính trị, không chỉ về mặt xã hội, mà sâu sa là đánh mất chính mình về mặt văn hóa. Chúng ta hiện nay đang đứng trước thách thức rất gay gắt này.
Tôi có dịp tiếp xúc với những nhà khoa học, những trí thức của Đức và của Pháp. Ở Đức, họ nói: “Nước Đức hiện phải đương đầu với ba thử thách. Một là phải độc lập về kinh tế. Hai là giữ thế độc lập về chính trị. Ba là độc lập về văn hóa. Cho đến nay, chúng tôi đã độc lập được về kinh tế và chúng tôi đang cố gắng bằng mọi cách để độc lập về mặt chính trị. Nhưng nói thật với các ngài rằng, chúng tôi không có độc lập về văn hóa. Chúng tôi đang bị điện ảnh Mỹ, âm nhạc Mỹ, giải trí Mỹ chi phối, đặc biệt với thanh niên Đức”. Với một số nhà nghiên cứu văn hóa của Pháp, họ nói: “Không thể nhốt một con cáo Mỹ với con gà trống Gô-loa của Pháp”. Họ rất lo cho bản sắc văn hóa Pháp. Như vậy nghĩa là họ cần phải bảo vệ nền văn hóa của chính dân tộc họ. Mà đó là một dân tộc lớn, một dân tộc có thành tựu vĩ đại về mặt văn hóa, mà phải đương đầu với một cuộc đấu tranh để bảo vệ nền văn hóa, và những đặc thù, đặc sắc của dân tộc họ...
Cho nên phải khẳng định, Đảng lãnh đạo văn hóa, văn học - nghệ thuật ở nước ta không phải là một sự áp đặt chủ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đó là sự nhận biết, thấu hiểu một quy luật, yêu cầu trong xã hội hiện đại, đặt trong toàn cảnh như vậy. Cho nên, ai đó phủ định sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ sự phát triển của xã hội, mà trong đó trực tiếp là văn hóa, văn học - nghệ thuật thì chính họ đã không hiểu đặc điểm của sự phát triển xã hội hiện đại, hoặc là muốn qua sự phủ định đó để phủ định những vấn đề lớn hơn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó là chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ... Từ đó muốn phủ định sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực đối với đất nước.
 TỰ DO SÁNG TẠO GẮN LIỀN VỚI TRÁCH NHIỆM, LƯƠNG TÂM NGƯỜI NGHỆ SĨ
Thưa GS, có một nhà thơ đã viết: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/Lại khóc những người bay không có chân trời”. Một vài văn nghệ sĩ hay đọc câu thơ này như một ngầm ý cho rằng nước ta vẫn có những “vùng cấm” trong sáng tạo văn học - nghệ thuật. GS suy nghĩ gì về bảo đảm tự do sáng tác văn học - nghệ thuật của Việt Nam hiện nay?
GS. TS Đinh Xuân Dũng: Tôi được một may mắn là có 20 năm công tác ở Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo Trung ương, được phân công tham gia soạn thảo, biên tập một số văn kiện của Đại hội Đảng, của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư về văn hóa, văn học - nghệ thuật, khoa học, trí thức... Có một quan điểm nhất quán toát lên từ các văn kiện của Đảng là khẳng định và bảo đảm quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Đặc biệt, Cương lĩnh 2011 đã ghi rất trang trọng: “Phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật; khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hoá. Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân”.
Tư tưởng đó được hiện thực hóa rộng rãi. Hơn 30 năm qua, từ sức tác động mạnh mẽ của tư duy đổi mới, văn học, nghệ thuật đã vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, bước đầu tạo dựng nên một diện mạo mới của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Trong đó, một mặt tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác, cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên sự phát triển toàn diện, ngày càng hiện đại, đa dạng hoá về nội dung và phương thức biểu hiện... Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vượt lên chính mình, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Còn nói về tự do sáng tác, đây là một quy luật, đồng thời cũng là một nhận thức về mặt khoa học của Đảng ta đối với đặc trưng của văn học-nghệ thuật. Không chỉ tự do sáng tác, với sự phát triển của internet, của mạng xã hội, giờ đây chỉ một lần kích chuột, văn nghệ sĩ đã đưa tác phẩm của mình đến thẳng với bạn đọc toàn cầu. Nhưng cũng có thực tế ở nơi nào đó, có lúc nào đó vẫn có bộ phận này bộ phận khác có khuynh hướng bảo thủ, hoặc máy móc, hoặc cứng nhắc chưa hiểu được đặc điểm ấy, cho nên có thể ảnh hưởng một phần đến tự do sáng tạo, đó là những hạn chế, những khuyết điểm có tính chất bộ phận. Còn tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong suốt thời kỳ đổi mới tới nay đều khẳng định tự do sáng tạo, tự do thông tin như một trong những nội lực, sức mạnh để tạo ra được những giá trị lớn trên lĩnh vực văn hóa, văn học-nghệ thuật. Nhưng đồng thời, để bảo đảm cho định hướng chính trị và định hướng văn hóa phát triển đúng quy luật của nó, Đảng gắn liền tự do sáng tạo ấy với trách nhiệm công dân, và với quyền con người. Trong Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 nói rất rõ mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và nghĩa vụ công dân, trong đó tự do sáng tạo, tự do nắm bắt thông tin là một quy luật không thể chối bỏ. Cho nên nếu ai đó chỉ nhấn mạnh tự do sáng tạo, tự do sáng tác mà không thấy trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lương tâm của một con người đối với đất nước là một sự lệch lạc, méo mó. Văn nghệ sĩ đất nước nào cũng phải có đồng thời tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ, lương tâm của người công dân đối với đất nước mình, và tự do sáng tạo là để có thể nói được tất cả những gì thuộc về khát vọng “chân, thiện, mỹ” của mình, có ích cho đất nước, dân tộc, và người đọc có thể tiếp nhận.
 Nhìn lại 33 năm đổi mới, chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội XIII của Đảng, GS đánh giá thế nào về quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc?
GS, TS Đinh Xuân Dũng: Trong Cương lĩnh 2011 có nêu lên những đặc trưng cơ bản của CNXH mà Việt Nam xây dựng. Trong đó, đặc trưng “có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là rất quan trọng. Kinh tế phát triển nhưng nếu chưa “có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì cũng chưa thể nói chúng ta xây dựng thành công CNXH. Vì thế, mặc dù trước những biến động hết sức phức tạp của tình hình thế giới và trong nước thì nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam hơn 30 năm vừa qua phát triển đúng hướng, được đánh giá là có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của đất nước và góp phần hiệu quả vào quá trình đổi mới. Quá trình ấy góp phần từng bước nuôi dưỡng, xây dựng những giá trị của con người Việt Nam mà những giá trị đó gồm có 3 thành tố. Một là những giá trị truyền thống, tốt đẹp, bền vững phải được bảo vệ, phát huy. Hai là những giá trị mới đang hình thành trong quá trình đổi mới phải được khuyến khích, nuôi dưỡng. Ba là việc phê phán, đấu tranh để hạn chế, khắc phục dần những mặt hạn chế, những mặt tiêu cực của thói hư tật xấu của con người Việt Nam trong lịch sử và trong thời kỳ hiện đại.
Nhìn một cách tổng thể đội ngũ hoạt động sáng tạo văn hóa, văn học - nghệ thuật Việt Nam được đánh giá là một đội ngũ tin cậy, qua các thế hệ từ chống Pháp, chống Mỹ, đến thời kỳ đổi mới hiện nay, về cơ bản luôn là đội ngũ tin cậy của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân, trung thành với lý tưởng mà nhân dân đã lựa chọn, nhiệt huyết với sự nghiệp đổi mới và có những đóng góp tích cực, gắn bó với nghề nghiệp. Trong tình hình văn hóa, văn học - nghệ thuật đang diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta vẫn luôn tự hào về đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta.
PHẢI NÂNG TẦM CÁN BỘ
Cùng với những thành tựu to lớn mà GS vừa khẳng định, đồng thời thực tiễn nền văn hóa của chúng ta qua 33 năm đổi mới cũng bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm chưa được như mong muốn của chúng ta. Vậy nguyên nhân của hạn chế đó là gì, thưa ông?
GS, TS Đinh Xuân Dũng: Lúc nãy tôi mới nói đến một số thành tựu, nhưng trong tôi luôn băn khoăn. Những mặt hạn chế, những cái chưa được trước hết là văn hóa, văn học - nghệ thuật chưa có những đóng góp thực sự nổi bật trong việc nuôi dưỡng những giá trị của con người Việt Nam thời kỳ mới. Thứ hai, đó là có dấu hiệu một số hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật, một số tác phẩm xa rời những vấn đề lớn của đời sống đất nước, lảng tránh những vấn đề đang đặt ra trong sự phát triển; đi vào những cái tầm thường, rơi vào thể hiện tâm trạng riêng của mình, coi đó là mục tiêu của sáng tạo văn học - nghệ thuật. Nghiêm trọng hơn là trong giới văn nghệ sĩ đã có người “phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng”... Đi tìm nguyên nhân của nó, có nguyên nhân khách quan: vì cuộc sống đang diễn ra hết sức bề bộn, người sáng tạo văn học - nghệ thuật phải đứng trước sự nhiều lựa chọn và có lúc họ băn khoăn, họ day dứt, họ trăn trở, có khi họ lúng túng rồi mắc sai lầm, có sai lầm kéo dài dẫn đến trượt dần khỏi các giá trị Chân, Thiện, Mỹ.
Cho nên, tôi rất lo trước một nhận định thẳng thắn rằng một bộ phận đội ngũ cán bộ văn hóa, văn học - nghệ thuật của Đảng, Nhà nước ta đang có dấu hiệu thiếu hiểu biết, thiếu tâm huyết và ít có sự tiếp xúc, gặp gỡ văn nghệ sĩ. Có nơi có tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc nhưng lại chưa lắng nghe, gặp gỡ còn hình thức. Tôi cũng xin nói thật, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực và sự hiểu biết những quy luật đặc thù của văn hóa, văn học - nghệ thuật để vận dụng nó vào trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn học - nghệ thuật là rất cần thiết, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, Đảng cần đặt ra yêu cầu về tầm nhìn xa, về năng lực lãnh đạo và khả năng thấu hiểu, khả năng nắm vững quy luật đặc thù trong lĩnh vực này để có thể lãnh đạo đúng và trúng.
Vừa qua, Bộ Chính trị Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, văn hóa, văn học - nghệ thuật là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, tinh tế và nhạy cảm. Vì thế, kiên định và linh hoạt trong lĩnh vực này là góp phần trực tiếp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tôi cho rằng, đây là “cuộc chiến” giành con tim và khối óc cho CNXH, đấu tranh gìn giữ và phát huy các giá trị Chân, Thiện, Mỹ của văn hóa Việt Nam, một “trận địa” vô cùng vinh quang mà đội ngũ cán bộ của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn học-nghệ thuật phải chủ động nhận thấy vai trò nòng cốt, quyết định của mình.
Xin trân trọng cảm ơn GS, TS Đinh Xuân Dũng!

Hồng Hải – Song Minh – Liên Việt (thực hiện)

Nhận xét